Chủ nhật, 24/11/2024 13:35 [(GMT +7)]
Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường
Thứ 3, 08/11/2011 | 09:21:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Bước vào năm học mới 2011-2012, số trường, cơ sở GD nội trú và tổ chức ăn bán trú đã tăng trên 10% so với năm học 2010-2011. Tùy điều kiện của các nhà trường và tình hình cung ứng thực phẩm ở các địa phương, song việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) bao giờ cũng được các nhà trường đặt lên hàng đầu.
Giờ ăn của các cháu Trường mầm non Hoa Đào (thị trấn Cao Lộc) |
Với mức 10 ngàn đồng/ngày do phụ huynh học sinh đóng góp đối với cấp mầm non (MN) và 12 ngàn đồng/ngày đối với cấp tiểu học, các cô nuôi ở trường MN và trường tiểu học xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) đã cố gắng khai thác nguồn thực phẩm tại chỗ và hợp đồng với các đại lý ở thị trấn Bắc Sơn cung cấp một cách ổn định nguồn thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói sẵn. Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất (CSVC), dụng cụ đồ dùng nhà bếp cũng như nơi nấu nướng chế biến, các cháu vẫn được cung cấp đủ 3 bữa ăn trong ngày (1 bữa chính, 2 bữa phụ) hợp vệ sinh và đảm bảo dinh dưỡng.
Trong khi đó, tại phân trường Khe Cháy của trường MN xã Thái Bình (Đình Lập), các ông bố, bà mẹ khi đưa con đến trường, cùng với quần áo, đồ dùng cá nhân, bao giờ cũng mang theo một ca cơm hoặc cháo cho con mình được dùng bữa trưa tại trường. Tuân thủ các quy định của ngành và Bộ Y tế trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP trong các nhà trường và cơ sở GD và gần đây nhất là Thông tư số 180/2011/TTLT-BGD&ĐT-BYT, ngày 28/4/2011 quy định nội dung đánh giá công tác y tế trong các trường học; mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về CSVC như nhà bếp, nơi chế biến thức ăn, dụng cụ chế biến bảo quản, trình độ, năng lực của đội ngũ phục vụ… song các nhà trường đã cố gắng đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh ATTP. Đặc biệt, các trường nội trú đã thực hiện rất tốt các quy định của ngành và liên ngành, nhiều năm qua không có vụ ngộ độc thực phẩm có nhiều người mắc xảy ra; các trường MN nông thôn, tuy mới thành lập, song đã cố gắng đảm bảo bữa ăn bán trú cho học sinh.
Phải nói rằng, các trường học 2 buổi/ ngày và tổ chức tốt ăn bán trú cho học sinh đều nằm trong số các trường và cơ sở GD khu vực thành phố, thị trấn và các vùng thuận lợi. Đối với vùng nông thôn và vùng khó khăn, việc có tổ chức được bữa ăn bán trú cho các cháu hay không phụ thuộc phần lớn vào CSVC, sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Còn nguồn cung cấp thực phẩm thì tùy điều kiện của mình, các nhà trường có thể rất linh hoạt; như trường MN xã Hải Yến, trong điều kiện đường sá xa xôi, khó đi, các cô giáo có gia đình tại khu vực thành phố, thị trấn Cao Lộc thường tự mua và giao cho phục vụ chế biến cho các cháu.
Dù hình thức nào, thì các nhà trường cũng dành mối quan tâm đến công tác vệ sinh ATTP như điều 7 của Thông tư Liên tịch số 180 đã quy định. Nhiều trường khu vực thành phố, thị trấn đã làm tốt việc xã hội hóa công tác ăn bán trú như trường MN 19-5 đã huy động phụ huynh học sinh đóng góp mua tủ sấy bát đĩa trị giá gần 40 triệu đồng. Các quy định về đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, khám sức khỏe định kỳ cho cô nuôi được từng bước thực hiện. Nhân viên y tế trường học đã làm tốt nhiệm vụ của mình về kiểm tra vệ sinh thực phẩm, lưu mẫu thức ăn, mẫu vỏ thức ăn đóng gói theo quy định. Có một quy định khá chặt chẽ trong các bếp ăn tập thể của các nhà trường là việc mua hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Làm tốt vấn đề này, các nhà trường đạt được 2 mục đích: biết rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa thực phẩm; kiểm soát được giá cả, minh bạch về tài chính.
Tuy nhiên, công tác vệ sinh ATTP lại phụ thuộc vào chính các bậc cha mẹ học sinh. Một số trường tiểu học ở vùng nông thôn có học 2 buổi/ ngày, trong cặp sách vở của học sinh bao giờ cũng có một ca, hoặc nắm cơm, chai nước để làm bữa trưa. Nhiều phụ huynh có điều kiện lại cho mấy ngàn đồng “tiền ăn trưa” và sau khi kết thúc giờ học buổi sáng, các cháu cứ “tùy nghi di tản”; hoặc cho con em mình dùng bữa sáng tại các quán hàng rong, ăn những thứ theo “sở thích” của trẻ. Nguy cơ mất vệ sinh ATTP là rất lớn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()