Công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 cần ở tinh thần cao nhất
Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp bàn về các giải pháp ứng phó với bão số 3 diễn ra chiều 17/8, tại Hà Nội.
Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường, chiều 17/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Hiện nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ vĩ Bắc; 112,5 độ kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10-11; bão có hoàn lưu rộng, bán kính sức gió ảnh hưởng trong vùng 200km.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 5-10km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 18/8, vị trí tâm bão vào khoảng 20,1 độ vĩ Bắc; 110,1 độ kinh Đông trên bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 13 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ vĩ Bắc; 106,5 độ kinh Đông, trên khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12-14.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, từ chiều tối ngày 18/8, ở Vịnh Bắc bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10, giật cấp 12-14, sóng biển cao từ 3-5m. Từ sáng 19/8, hoàn lưu bão số 3 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực các tỉnh phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ (từ Quảng Ninh đến Nghệ An). Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Bên cạnh đó, với đợt mưa lớn trên diện rộng trên toàn khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ với lượng mưa từ 200-300mm, có nơi trên 500mm từ chiều ngày 18/8 đến hết ngày 20/8, có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ,…; ngập úng ở đồng bằng Bắc bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung bộ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tướng, Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trương Đức Nghĩa cho rằng, để ứng phó với cơn bão, công tác dự báo cần bám sát về các thông số của cơn bão về cường độ, khoảng cách và thời gian bão đổ bộ vào đất liền. Bên cạnh đó, cần tránh tâm lý chủ quan khi vừa ứng phó với cơn bão số 1 và số 2 vừa đi qua. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò chủ động của các địa phương vùng chịu ảnh hưởng để chủ động đề ra các giải pháp ứng phó. Chủ động cho các cháu nhỏ vùng chịu ảnh hưởng lớn của bão nghỉ học nếu trong khoảng thời gian bão đổ bộ; rà soát lại các nơi nguy hiểm, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Nhận định cơn bão số 3 diễn biến và hoạt động phức tạp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão từ Bắc Trung bộ trở ra cần chuẩn bị công tác ứng phó với tinh thần cao nhất và thường xuyên. Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương, các hệ thống cơ quan thông tin cần bám sát diễn biến của cơn bão, tăng tần suất cảnh báo để các địa phương chủ động ứng phó và thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.
Bên cạnh đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng Kiểm ngư cùng phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện trong vùng chịu ảnh hưởng của cơn bão di chuyển vào nơi an toàn. Với các địa phương chịu ảnh hưởng cần có các kịch bản ứng phó, đặc biệt đối với với các sự cố về lũ ống, lũ quét nếu xảy ra. Bên cạnh đó, cần rà soát, đảm bảo an toàn các công trình hồ đập, đê kè, công trình thủy điện, hồ chứa; thực hiện tiêu nước đệm ở các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão và mưa lớn; kiểm tra hệ thống công trình bơm để chủ động bơm tiêu nếu mưa lớn xảy ra. Với Bộ Công thương, cần rà soát các công trình điện lưới, chủ động các phương án khi có sự cố xảy ra./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()