Như tin đã đưa, từ ngày 25 đến 27-4-2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 39 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Tham dự phiên họp, có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 báo cáo về tình hình chuẩn bị bầu cử.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác chuẩn bị bầu cử và nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, chỉ đạo việc tập huấn các tổ bầu cử, cán bộ làm công tác bầu cử; thực hiện tốt hoạt động giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử; quan tâm xử lý tốt các đơn thư khiếu nại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm về cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác.
Cho ý kiến về phương án phân bổ số vượt thu và số dư dự toán chi ngân sách trung ương năm 2010, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cơ bản tán thành nguyên tắc phân bổ, sử dụng số vượt thu và số dư dự toán chi ngân sách trung ương năm 2010. Cần ưu tiên giảm bội chi ngân sách Nhà nước, tăng chi trả nợ, tăng đầu tư phát triển, ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các nhiệm vụ cấp bách; hỗ trợ các địa phương vùng bão lũ, các vùng khó khăn; bổ sung vốn cho những dự án, nhiệm vụ cấp bách bảo đảm quốc phòng, an ninh; hỗ trợ đầu tư cho các địa phương trọng điểm về thu ngân sách Nhà nước theo nghị quyết của Bộ Chính trị, các địa phương khó khăn có số hụt thu ngân sách lớn do nguyên nhân khách quan và thưởng vượt thu cho các địa phương.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự thảo Nghị định của Chính phủ về đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tại Việt Nam; nhất trí với đề nghị thành lập thêm bốn đơn vị Kiểm toán Nhà nước khu vực, một đơn vị Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và giao chỉ tiêu biên chế năm 2011, 2012 cho Kiểm toán Nhà nước; thông qua Nghị quyết về việc cử Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao làm thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; cho ý kiến về chỉ tiêu biên chế năm 2011 của Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
* Ngày 27-4, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo về công tác bầu cử đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử tiếp tục được tiến hành theo đúng tiến độ, bảo đảm công khai, dân chủ, chính xác. Các đơn vị chức năng đã hoàn thành năm bước của quy trình hiệp thương, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH tại cơ quan T.Ư và ở các địa phương. Hội đồng bầu cử T.Ư đã ban hành quyết định phân bổ những người ứng cử ở T.Ư về 63 tỉnh, thành phố để các địa phương bố trí, sắp xếp người ứng cử vào các đơn vị bầu cử đại biểu QH. Ngày 26-4, Chủ tịch Hội đồng bầu cử T.Ư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết công bố danh sách 827 người ứng cử đại biểu QH khóa XIII tại 183 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu QH khóa XIII.
Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã ấn định số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh là 3.832 người, cấp huyện là 21.131, cấp xã là 281.491 đại biểu. UBND cấp tỉnh đã phê chuẩn 5.463 đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu được bầu. UBND cấp huyện đã phê chuẩn 75.033 đơn vị bầu cử cấp xã. Cả nước dự kiến thành lập 91.438 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp.
Ý kiến ()