Công tác chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS ở thị trấn Lộc Bình: Trách nhiệm và hiệu quả
LSO-Trong tổng số 15 người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thị trấn Lộc Bình còn sống, hiện có 10 người đã chuyển sang AIDS đang được dùng thuốc ARV.
LSO-Trong tổng số 15 người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thị trấn Lộc Bình còn sống, hiện có 10 người đã chuyển sang AIDS đang được dùng thuốc ARV. Cuộc sống của họ không những đã khá hơn về vật chất và tinh thần, mà còn có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
Các đồng đẳng viên thị trấn Hữu Lũng thu gom bơm kim tiêm bẩn |
Chồng chết vì AIDS, cô đi xét nghiệm cũng biết mình đã bị nhiễm HIV, cuộc sống tưởng như đã khép lại đối với Hoàng Thùy D. Sống hay không sống? Câu hỏi đó như một bài tính cuộc đời cứ dằn vặt cô hết tháng này đến tháng khác mà chưa tìm được “lời giải”. Được tư vấn, giúp đỡ, cô mạnh dạn đứng dậy và tham gia câu lạc bộ Hoa Hồi để cùng chia sẻ với bạn bè cùng cảnh ngộ và hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Cuộc đời đã không “bạc đãi” cô, có hoạt động, lại được dùng thuốc ARV, sức khỏe cô ngày một tốt dần. Để đền đáp lại tấm chân tình của người chồng thứ hai, cô quyết định sinh con. Nhờ biết cách tự chăm sóc mình, được các bác sĩ bệnh viện Lộc Bình tư vấn giúp đỡ, hai vợ chồng cô đã sinh đứa con an toàn, kháu khỉnh, khỏe mạnh. Giờ đây, chồng lái tắc xi thu nhập cũng tạm, còn cô mở quán bán hàng cũng đủ đong gạo hàng ngày. Đối với cô, hạnh phúc tưởng như đã đánh rơi, nay lại tròn đầy. Cô đã có nhiều hành động cụ thể để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ. Không chỉ có cô D. mà cô Nguyễn Thị L. khu Cầu Lấm cũng mạnh dạn sinh con khi trong mình mang trọng bệnh cũng nhờ những kiến thức về phòng chống HIV/AIDS đã có và sự chăm sóc của người thân, sự cảm thông của cộng đồng.
Làm việc với chúng tôi, chị Hoàng Thị Duyên, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Lộc Bình nói rằng, trong 10 người chuyển sang giai đoạn AIDS, có những người đã mang bệnh rất lâu, song chính nhờ những kiến thức và kỹ năng tự chăm sóc bản thân, chính nhờ thuốc ARV và đặc biệt là sự cảm thông, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và bà con khối phố nên họ đều khỏe mạnh. Có người đã và đang làm bảo vệ tại một cơ quan, có người phụ giúp gia đình, cũng có người với vốn tự có mở quán bán hàng có thu nhập để tự nuôi mình, nuôi con. Sự bình đẳng giữa người nhiễm HIV/AIDS với những người bình thường chính là liều thuốc tốt nhất để họ sống và sống có ích. Hiện thị trấn đang thực hiện 2 dự án là Dự án chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà do Quỹ toàn cầu tài trợ và Dự án can thiệp giảm tác hại do WB (Ngân hàng thế giới tài trợ) với tổng cộng 5 đồng đẳng viên. Với trách nhiệm và kinh nghiệm của mình, các đồng đẳng viên dự án chăm sóc người nhiễm HIV tại gia đình đã phổ biến, hướng dẫn cho bản thân và người nhà của người nhiễm HIV/AIDS biết cách chăm sóc và tự chăm sóc để phòng chống lây nhiễm chéo và sống khỏe, sống có ích. Bên cạnh đội ngũ đồng đẳng viên mang tính “chuyên nghiệp” cao, các đoàn thể, cộng đồng dân cư đều chung tay trong công tác phòng và chống. Vì vậy, nếu những năm 2006-2008, mỗi năm trên địa bàn phát hiện từ 3-5 người nhiễm mới, thì năm 2012 chỉ phát hiện 1 trường hợp nhiễm mới; nếu những năm trước, người chuyển sang giai đoạn AIDS coi như “cầm chắc” cái chết, thì nay số tử vong do AIDS và các bệnh có liên quan giảm mạnh. Thị trấn đang duy trì “3 giảm” (giảm nhiễm mới, giảm người chuyển sang giai đoạn AIDS, giảm tử vong do AIDS và các bệnh có liên quan) một cách vững chắc.
Trao đổi với bà Trần Thị Linh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, chúng tôi được biết, nhiều năm nay, cấp ủy, chính quyền địa phương đã coi công tác phòng chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ phát triển. Quán triệt sâu chỉ thị của Đảng về công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới, công tác phòng, chống luôn được ghi trong các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết thường kỳ và trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đảng lãnh đạo, chính quyền tiên phong, các đoàn thể vào cuộc đã tạo nên một chuyển biến mới về chất trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Điều dễ nhận thấy là không còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm. Công tác tư vấn tốt hơn, sự quan tâm sát thực hơn, qua đó tạo cơ hội cho người nhiễm loại bỏ sự mặc cảm, sống hòa nhập cùng cộng đồng.
Tuy vậy, người nhiễm HIV/AIDS còn sức khỏe, có nguyện vọng vay vốn để sản xuất kinh doanh song hầu hết không được đáp ứng nên hầu hết gia đình và bản thân họ có mức sống thấp, nhiều người còn khó khăn. Tạo điều kiện về vốn, việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS chính là hành động thiết thực nhất của sự quan tâm, chăm sóc. Đó chính là sự trăn trở bấy lâu nay của cấp ủy, chính quyền nơi đây.
TRẦN KIM
Ý kiến ()