Công tác bồi dưỡng học sinh “mũi nhọn”: Đổi mới lựa chọn, ôn luyện, tăng “cọ xát”
ĐỔI MỚI KHÂU LỰA CHỌN
Khi không còn loại hình “trường chuyên, lớp chọn” từ cấp THCS trở xuống, thì khâu lựa chọn học sinh có năng khiếu hoàn toàn dựa trên cơ sở của chất lượng đại trà. Nói cách khác, chính từ chất lượng đại trà sẽ xuất hiện những học sinh năng khiếu. Tuy nhiên, những “năng khiếu” ấy chỉ là những chồi, những nụ còn mong manh, yếu ớt. Thầy giáo Đặng Tuấn Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ nói rằng: ở lứa tuổi 11,12, “năng khiếu” của các em chỉ là mới “chớm hé”, song nhiều giáo viên đã nhìn nhận ra và vun trồng cho những năng khiếu ấy phát triển ngay từ năm lớp 6 và qua 2 năm học đã cho thành quả bước đầu. Điển hình như trường hợp của học sinh Mẫn Đào Sơn Tùng, Nghiêm Việt Thắng, Bùi Minh Quốc với những thành tích bước đầu đã được khẳng định ngay từ lớp 8.
Đối với cấp THPT, ngành giáo dục giao nhiệm vụ đầu mối cho Trường THPT chuyên Chu Văn An xây dựng và triển khai kế hoạch ôn tập theo hình thức tập trung, chuyên môn để thành lập đội tuyển tham dự các kỳ thi.
Học sinh giỏi các trường THPT chuẩn bị tham gia thi thực hành thí nghiệm
ĐỔI MỚI ÔN LUYỆN
Cùng với sự thay đổi phương pháp dạy học đại trà, công tác ôn luyện học sinh giỏi cũng có sự đổi mới. Cô giáo Hoàng Vân Khánh, Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết: ôn luyện học sinh giỏi theo kiểu “ghi nhớ, khắc sâu” đã lỗi thời, mà song song với tăng thời lượng ôn tập, giáo viên và học sinh cùng khai thác trên mạng, biên dịch tài liệu bộ môn, rèn kỹ năng tự nghiên cứu cho học sinh. Em Mẫn Đào Sơn Tùng, Trường THCS Hoàng Văn Thụ, 3 giải nhất, 4 giải nhì trong các kỳ thi Toán cấp tỉnh, 2 Huy chương Vàng thi giải toán trên Intenet cấp quốc gia lớp 8 và lớp 9, giải ba thi giải Toán máy tính cầm tay THCS cấp quốc gia, giải nhất Olympic Toán Hà Nội mở rộng với số điểm cao nhất trong 22 tỉnh, thành phía Bắc chia sẻ: “theo hướng dẫn của cô giáo, em khai thác trên mạng nhiều bài toán hay, cách giải tốt, nhưng em chú trọng tìm ra cách giải của riêng mình rồi ghi vào sổ tay. Bài toán càng khó, em càng thích thú vì nó “ kích thích” sự khám phá của em”.
Đối với các môn khoa học xã hội, việc ôn luyện kiến thức gắn liền với các hoạt động trải nghiệm, dạy học qua di sản văn hóa, di tích lịch sử, mở rộng kiến thức xã hội… Em Hà An Quỳnh, Trường THPT chuyên Chu Văn An, đạt giải nhì cấp tỉnh, giải nhì cấp quốc gia môn Lịch sử là ví dụ điển hình.
THAM GIA NHIỀU CUỘC THI ĐỂ TĂNG TÍNH “CỌ XÁT”
Các kỳ thi lựa chọn học sinh giỏi các bộ môn là “sân chơi” bổ ích của học sinh. Trong năm học 2014-2015 đã có trên 4.000 lượt học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 tham gia các cuộc thi cấp tỉnh, trên 230 lượt học sinh tham dự các kỳ thi quốc gia. Ngoài ra, Lạng Sơn còn mạnh dạn cho đội tuyển tham dự các kỳ thi khu vực như kỳ thi Toán Hà Nội mở rộng và đã thu được kết quả xuất sắc. Tham gia như vậy để học sinh giỏi Lạng Sơn không quanh quẩn trong sự chật hẹp của cái khe nhỏ để “nhất mẹ, nhì con”, mà thực sự khẳng định mình khi ra “sông cả”, chuẩn bị đầy đủ những gì cần có để hướng ra “biển lớn”.
Khẳng định những đổi mới trong tuyển chọn, ôn luyện học sinh giỏi, đồng chí Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: học sinh Lạng Sơn không thua kém các địa phương khác. Vấn đề là công tác phát hiện và gieo ươm. Chúng ta đã đi đúng hướng, song cần phải học tập nhiều hơn từ những tỉnh có bề dày truyền thống như Nam Định, Nghệ An… để có được những kinh nghiệm hay áp dụng vào thực tiễn của tỉnh.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()