Công suất giảm nhưng thị trường khách sạn Hà Nội vẫn 'bám trụ'
Thống kê của Savill cũng cho thấy, các khách sạn quốc tế sẽ tiếp tục gia nhập thị trường Hà Nội, cung cấp gần 1.300 phòng tương đương với 48% nguồn cung tương lai.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, dù công suất chỉ đạt 27% nhưng thị trường khách sạn Hà Nội vẫn được đánh giá có khả năng “bám trụ” trong đại dịch.
Các chuyên gia của Savills vẫn kỳ vọng vào sự trở lại của ngành du lịch khi việc triển khai vaccine sẽ giúp du lịch quốc tế được mở cửa.
Thống kê của Savill cũng cho thấy, các khách sạn quốc tế sẽ tiếp tục gia nhập thị trường Hà Nội, cung cấp gần 1.300 phòng tương đương với 48% nguồn cung tương lai. Trong số này có một số thương hiệu lớn như Eastin, Grand Mercure, Fairmont, Four Seasons…
Do đó, trong những tháng cuối năm 2021 và tới năm 2023 sẽ có khoảng 2.600 phòng dự kiến được bổ sung vào thị trường từ 14 dự án; trong đó, riêng năm 2021 có 3 dự án từ 3-5 sao sẽ cung cấp trên 500 phòng.
Khu vực nội thành sẽ đóng góp lớn nhất vào nguồn cung tương lai với 1.200 phòng từ 7 khách sạn. Tiếp theo sau là khu vực phía Tây với 36% nguồn cung tương lai.
Trong 2 quý đầu của năm 2021, giá phòng khách sạn tại Hà Nội trung bình đạt 77 USD/phòng/đêm, tăng 1% theo quý nhưng giảm âm 9% theo năm. Nguồn cung của thị trường vẫn ổn định theo quý với 10.120 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 17 khách sạn 4 sao và 32 khách sạn 3 sao.
Trong số đó, khách sạn 5 sao chiếm tới 54% nguồn cung và đồng thời dẫn đầu với doanh thu phòng trung bình đạt 28 USD/phòng/đêm nhờ nhóm khách chính là khách công tác và khách lưu trú dài ngày.
Tới cuối quý 2/2021, Hà Nội có thêm 5 khách sạn 3 sao với 315 phòng đang tạm đóng cửa do dịch bệnh và để sửa chữa. Ngoài ra, có 10 khách sạn 3-5 sao đã được chọn làm địa điểm cách ly.
Công suất phòng khách sạn thời gian qua chỉ đạt khoảng 25%, giảm âm 8 điểm phần trăm theo năm và giá phòng trung bình cũng giảm âm 16% theo năm.
Du khách tới Hà Nội từ đầu năm đến nay chủ yếu là khách nội đia, đạt khoảng 2,9 triệu khách, giảm âm 25% theo năm.
Dù sang quý 2 thị trường Hà Nội đã có sự phục hồi vào tháng 4 nhưng ngay sau đó, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư đã đẩy công suất phòng xuống còn 27%.
Theo ông Matthew Powell, nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn bày tỏ sự quan tâm tới phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và khách sạn chất lượng cao, đối với cả các dự án đang hoạt động hoặc đang trong quá trình phát triển.
Làn sóng đầu tư này xuất hiện trên thị trường là bởi các nhà đầu tư có cái nhìn dài hạn về tiềm năng phục hồi của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam sau dịch, khi tình hình được kiểm soát và hoạt động phục vụ khách du lịch nội địa, quốc tế được mở cửa trở lại./.
Ý kiến ()