Công Sơn: Bản nghèo mong ước một con đường
– Con đường vào hai thôn: Ngàn Pặc và Pắc Đây thuộc xã Công Sơn, huyện Cao Lộc với tổng chiều dài khoảng 12 km, toàn bộ là đường đất, mùa khô thì bụi mù mịt, mùa mưa thì bùn lầy, trơn trượt, gây khó khăn cho người dân khi di chuyển. Con đường gập ghềnh khó đi cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của hai thôn nói riêng và của xã Công Sơn nói chung.
Có dịp đến thôn Ngàn Pặc, xã Công Sơn vào một ngày mưa tháng 1/2022, đi trên đường, chúng tôi cảm nhận được sự gập ghềnh, trơn trượt của con đường với những “ổ gà, ổ voi” rất khó khăn cho việc đi lại.
Người dân di chuyển khó khăn qua đoạn đường thôn Ngàn Pặc
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: những ngày mưa chính là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây vì mưa sẽ làm phần đất bên trên trở thành lớp bùn lầy trải dài, khiến việc đi lại gặp khó khăn, thậm chí khiến người dân thôn Ngàn Pặc và Pắc Đây gần như bị cô lập. Anh Triệu Chằn Quí, Trưởng thôn Pắc Đây cho biết: Đi vào đường này, xe máy của bà còn dù đắt hay rẻ cũng nhanh hỏng lắm. Bà con phải chọn xe nào động cơ khỏe mới có thể “bò” qua nổi đoạn đường này, vào những ngày mưa, trừ những việc quan trọng ra, chúng tôi rất hạn chế đi lại. Tôi và các hộ dân trong thôn đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên, mong được tạo điều kiện làm đường mới để người dân đi lại thuận tiện hơn.
Được biết, xã vùng III Công Sơn hiện có 5 thôn với 289 hộ dân, 1.446 nhân khẩu, trong đó, có gần 45% người dân sinh sống ở Ngàn Pặc và Pắc Đây. Mặc dù ở hai thôn này có rất nhiều sản vật đặc trưng như: chanh rừng, đào, rượu, hồi, gà 6 ngón… nhưng vì đường đi lại khó khăn nên việc phát triển kinh tế ở đây còn nhiều hạn chế. Anh Hoàng Phúc Chắn, người dân thôn Ngàn Pặc cho biết: Gia đình tôi nuôi được gà 6 ngón, trồng hồi… muốn bán được giá phải thồ ra ngoài huyện nhưng vận chuyển rất khó, thỉnh thoảng có thương lái vào mua nhưng họ cũng chỉ trả giá rẻ vì đường khó đi nên phải … “trừ hao”.
Không chỉ với người dân, đoạn đường này cũng là nỗi ám ảnh với những thầy cô giáo “cõng chữ” lên bản. Cô giáo La Thị Thủy, giáo viên lớp ghép 1 2, điểm trường Thán Dìu thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Công Sơn chia sẻ: Điểm trường thuộc địa phận thôn Pắc Đây hiện có 17 học sinh từ lớp mẫu giáo đến lớp 2. Đây là điểm trường xa nhất của xã, đường đi lại khó khăn, từ nhà tôi đến trường phải đi gần 2 tiếng nên vào những lúc trời mưa, đường trơn, tôi thường ngủ lại tại lớp học, cuối tuần mới về nhà.
Đường khó là thế, ấy vậy mà bốn mùa trong năm, dẫu nắng hay mưa, trẻ em từ mẫu giáo đến tiểu học vẫn được cha mẹ đưa đến lớp đều đặn. Bà con vẫn lao động sản xuất, thồ nông sản đi bán trên đoạn đường này. Hằng năm, người dân hai thôn vẫn thường vận động nhau “chở đá, vá đường”, phát quang cây cối ngả xuống đường, đắp đất vào các ổ gà bị lún sâu, cải thiện phần nào đoạn đường để tiện đi lại.
Cố gắng là vậy nhưng việc phát triển kinh tế, thoát nghèo đối với bà con nơi đây vẫn còn lắm gian truân khi giao thông chưa được cải thiện. Bởi lẽ đó mà thôn Ngàn Pặc có 65 hộ thì có đến 60 hộ nghèo, cận nghèo; thôn Pắc Đây cũng tương tự khi có 59/63 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của hai thôn đều trên 90%, cao nhất toàn xã.
Ông Triệu Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Công Sơn bày tỏ: Đoạn đường vào thôn Ngàn Pặc và Pắc Đây là đường liên xã, giáp xã Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc), hai thôn có đường vào khó nhất xã. Hằng năm, cấp uỷ, chính quyền và người dân đều kiến nghị lên cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư con đường mới để bà con ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2018, với giải pháp tạm thời, UBND huyện Cao Lộc đã phân bổ cho UBND xã Công Sơn 3 triệu đồng/năm để duy tu, cải tạo, san lấp các đoạn lún sâu, rải sỏi một số đoạn trơn trượt… trên đoạn đường này.
Mặc dù được duy tu, cải tạo nhưng đây chỉ là biện pháp tạm thời, sau mỗi trận mưa lớn, con đường lại trơn trượt, lầy lội như cũ.
Ông Dương Công Vĩnh, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Cao Lộc cho biết: Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch phát triển Kinh tế – Xã hội, năm 2020, đoạn đường này đã được cứng hóa 1,5 km. Do kinh phí còn hạn hẹp nên thời gian tới, theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện bổ sung kinh phí để cứng hoá dần dần đoạn đường này để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con.
Hy vọng rằng con đường sẽ sớm được cứng hóa, góp phần tạo điều kiện cho người dân thôn Ngàn Pặc và Pắc Đây phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ý kiến ()