Công nghiệp Ninh Bình, động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển
Ninh Bình vốn là tỉnh thuần nông với khoảng hơn 80% lao động làm nông nghiệp. 10 năm gần đây, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trong đó chú trọng hình thành các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và coi công nghiệp là động lực phát triển kinh tế của địa phương.
Năm 2004, khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú có diện tích 35 ha “mở màn” cho công cuộc đổi mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Ninh Bình. Đến nay, tỉnh có năm KCN được thành lập và đi vào hoạt động, bao gồm: KCN Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp, Phúc Sơn, Khánh Cư với tổng diện tích theo quy hoạch gần 900 ha. Hằng năm, các doanh nghiệp KCN tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp từ 10 nghìn đến 12 nghìn tỷ đồng/năm, nộp vào ngân sách nhà nước từ 600 đến 800 tỷ đồng và hơn 20 nghìn lao động nông thôn có việc làm ổn định.
Từ một chủ trương đúng, tạo được sự đồng thuận của nhân dân
Tuy được thành lập khá muộn so với cả nước, trong điều kiện xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước, song với quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền địa phương, các KCN của tỉnh Ninh Bình được xây dựng, phát triển khá nhanh hòa nhịp cùng cả nước trong chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người lao động.
Một trong những khó khăn về phát triển các KCN ở Ninh Bình là công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng khi nhiều diện tích đất nông nghiệp bị san lấp, bình quân ruộng đất canh tác nông nghiệp có xu hướng giảm rõ rệt. Đặc biệt là xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh) có tới 90% diện tích đất canh tác của địa phương bị chuyển đổi chuyển sang sản xuất công nghiệp. Đảng bộ và chính quyền các cấp trong tỉnh Ninh Bình vận động nhân dân học nghề, chuyển lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp địa phương mở các nghề tiểu thủ công nghiệp như: may mặc, mây tre đan, trồng nấm rơm…
Gặp chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Phú Nguyễn Ngọc Nhãn hồ hởi kể: “Những lao động có trình độ THPT ở lứa tuổi hơn 20 đến gần 30 tuổi được khuyến khích tham gia học tập tại các trường đào tạo nghề ở tỉnh hoặc các trường cao đẳng, trung cấp nghề theo hệ thống đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý”.
Không chỉ riêng Khánh Phú, một số xã ở huyện Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp…, nhân dân đồng thuận với chủ trương của Đảng bộ và chính quyền các cấp tổ chức bàn giao mặt bằng, tham gia các lớp đào tạo nghề tại chỗ hoặc nhiều doanh nghiệp gửi đào tạo để sau khi tốt nghiệp trực tiếp trở về tham gia sản xuất tiểu thủ công nghiệp phục vụ doanh nghiệ tại cơ sở. Nhiều cơ sở sản xuất chăm lo việc làm lao động bảo đảm thu nhập bình quân khoảng ba triệu đồng/người/tháng.
Cùng với chăm lo việc làm ổn định đời sống cho người lao động ở nông thôn, tỉnh Ninh Bình còn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các KCN tạo điều kiện cho doanh nghiệp có mặt bằng sạch để triển khai dự án.
Năm 2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã trình Chính phủ các KCN tỉnh Ninh Bình sẽ bao gồm các KCN hiện tại đã xây dựng là Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp giai đoạn I hiện hữu (76 ha), Phúc Sơn, Khánh Cư (điều chỉnh giảm diện tích còn 52,11ha) và hai KCN quy hoạch mới tại vùng ven biển Kim Sơn và thị xã Tam Điệp (giai đoạn II) với quy mô mỗi khu khoảng 300 đến 500 ha.
Đến nay, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng ba KCN (Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp) theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh là hơn 1.767 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước đầu tư hơn 1.006 tỷ đồng, bao gồm 70 tỷ đồng vốn của trung ương. Có thể nói, đây là nỗ lực của đảng bộ và chính quyền các cấp ở tỉnh vì Ninh Bình trước đó chưa phải là vùng đất phát triển.
Điểm nổi bật trong việc phát triển hạ tầng KCN ở Ninh Bình là phân kỳ, chọn hạng mục đầu tư thi công, vừa xây dựng vừa kêu gọi, tiếp nhận các dự án đầu tư. Với số vốn từ ngân sách cấp hằng năm, Ban Quản lý các KCN tỉnh kêu gọi động viên nhà thầu tập trung thi công các hạng mục chính như san lấp mặt bằng, giao thông, hệ thống thu gom, xử lý nước thải… đáp ứng yêu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án đầu tư vào KCN. Ngoài ra, Ban Quản lý KCN tỉnh còn vận dụng kinh nghiệm của một số tỉnh lân cận để thu hút đầu tư. Các nguồn lực của một số doanh nghiệp như: Công ty Điện lực Ninh Bình, Công ty Nước sạch Ninh Bình, Viễn thông Ninh Bình, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn… tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật về cấp nước, cấp điện, ngân hàng, viễn thông phục vụ trong KCN. Đáng chú ý là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Thành Nam hưởng ứng bằng cách bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải cho KCN Khánh Phú.
Với cách làm này, Ninh Bình đã giải bài toán khó khăn về nguồn vốn đầu tư song các KCN ở địa phương nhanh chóng hình thành có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đủ điều kiện để doanh nghiệp sớm thực hiện dự án.
Khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thiện cũng là lúc tỉnh Ninh Bình thực hiện nhiều cuộc xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các KCN với chính sách đãi ngộ hợp lý, đúng chủ trương của Chính phủ. Nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm hiểu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện ở trong tỉnh và các thành phố lớn hoặc mở trang “Đầu tư Ninh Bình” trên mạng internet để doanh nghiệp trong nước và quốc tế nghiên cứu rồi tìm đến hợp tác.
Đến nay KCN Gián Khẩu, Khánh Phú được lấp đầy, KCN Tam Điệp giai đoạn I với 76 ha đã lấp đầy; KCN Phúc Sơn đã giao 12,55 ha cho các dự án triển khai xây dựng; KCN Khánh Cư với 52 ha, hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đầu tư vào KCN tỉnh Ninh Bình chủ yếu là các dự án có quy mô lớn với tổng mức đầu tư bình quân khoảng 595 tỷ đồng/dự án. Dự án quy mô lớn nhất là Nhà máy Đạm Ninh Bình của Tổng Công ty Hóa chất Việt Nam, sử dụng 53,1 ha đất, số vốn đăng ký đầu tư là 10.673 tỷ đồng. Ngoài ra, năm dự án có vốn đầu tư hơn ba nghìn tỷ đồng, chín dự án vốn đầu tư từ 500 tỷ đồng đến gần ba nghìn tỷ đồng.
Vì vậy chỉ sau 10 năm phát triển, các KCN trong tỉnh Ninh Bình đạt doanh thu hơn 12 nghìn tỷ đồng/năm 2013, nộp ngân sách gần 800 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 236 triệu USD trong năm ngoái, góp phần quan trọng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở tỉnh. Cụ thể là, tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 46%, thương mại, du lịch, dịch vụ gần 37% và nông nghiệp chỉ còn hơn 16%.
“Đến nay có tới hàng chục nghìn lao động nông nghiệp ở địa phương có việc làm ổn định tại các KCN. Nhiều huyện, xã giảm đáng kể tình trạng lao động rời bỏ quê hương vào các thành phố lớn kiếm việc làm” – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình Bùi Mai Hoa cho biết.
Vẫn còn nhiều hạn chế và hướng đi mới
Có thể nói, với quãng thời gian 10 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế chú trọng phát triển các KCN ở Ninh Bình là ngắn ngủi, song đem lại một sự đổi thay lớn lao của nền kinh tế Ninh Bình. Giờ đây, các dự án Nhà máy sản xuất đồ thể thao của Nhà máy Sản xuất sản phẩm may mặc Tech Textile của Công ty TNHH NB Tech Textile, 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, dự án Nhà máy xi măng Vissai, công suất giai đoạn I là 2.500 tấn cli
Tuy nhiên, quá trình đầu tư phát triển các KCN ở Ninh Bình còn bộc lộ những hạn chế, đó là hiệu lực, hiệu quả thu hút đầu tư giảm sút, môi trường đầu tư của tỉnh chưa hấp dẫn doanh nghiệp dẫn tới hệ quả là không có nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, dự án lớn ít dần, thậm chí không còn đủ điều kiện để kêu gọi đầu tư.
Các KCN được đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách, trong điều kiện nguồn vốn có hạn, phải cấp qua nhiều năm, vừa xây dựng vừa thu hút đầu tư nên không tránh khỏi sự bất cập trong quản lý cũng như hoạt động của các dự án. Cụ thể như nơi đường điện, xử lý nước thải, quản lý môi trường trong KCN còn nhiều khó khăn thiếu đồng bộ, cho nên chưa hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Công tác cải cách hành chính của các cấp, các ngành trong tỉnh tuy đã nỗ lực, song vẫn còn ý kiến của các nhà đầu tư về lề lối làm việc, quy trình xét duyệt dự án, thời gian thẩm định một hồ sơ dự thầu… chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển khiến môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế.
Rõ ràng việc phát triển các KCN ở Ninh Bình là một chủ trương lớn của Đảng bộ và chính quyền các cấp, mở ra triển vọng mới cho nền kinh tế địa phương. Trong đó, thành công nhất là hàng chục nghìn lao động nông nghiệp có việc làm ổn định tại các KCN (con số này tiếp tục tăng trong những năm tới). Cho nên, tỉnh Ninh Bình cần sớm hoàn chỉnh hạ tầng các KCN đã xây dựng, đặc biệt là KCN Khánh Phú, đồng thời, điều chỉnh chính sách ưu đãi doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư vào KCN. Mặt khác, tỉnh tích cực kêu gọi, xúc tiến đầu tư, hướng trọng tâm kêu gọi tới các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng hai KCN: Kim Sơn và Tam Điệp.
Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các KCN về mọi mặt, tạo môi trường đầu tư hiệu quả, an toàn, thuận lợi cho các nhà đầu tư; rà soát, điều chỉnh bổ sung các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư, tập trung vào một số yếu tố lợi thế của tỉnh như đơn giá đất, dịch vụ, lực lượng lao động, cải cách hành chính để tạo ra sự đột phá mới trong chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; chú trọng ưu tiên bố trí vốn kế hoạch đầu tư hằng năm cho hoàn chỉnh hạ tầng và đầu tư trang thiết bị cho công tác quản lý nhà nước đối với các KCN.
Ngoài ra, tỉnh cần thường xuyên gắn bó, tháo gỡ, khuyến khích động viên tạo điều kiện cho các dự án đầu tư thực hiện đúng tiến độ và thời gian để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động.
Tuy là công việc hoàn toàn mới, song Ban quản lý các KCN ở Ninh Bình cố gắng hết sức mình cho sự nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp ở địa phương. Cụ thể là xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành: Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Ban, tổ chức thực hiện, từng bước đi vào nền nếp theo đúng quy định của nhà nước. Từ khâu tiếp nhận, xử lý thông tin, cấp phép đầu tư đến quá trình triển khai của các dự án nói chung được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư; thường xuyên kiểm tra, rà soát, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, kiểm tra quá trình triển khai của các dự án, kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm; hướng dẫn các chủ đầu tư mới hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục nhanh gọn, đúng quy định, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng không để xảy ra phiền hà sách nhiễu; từng bước triển khai nhiệm vụ quản lý đầu tư, xây dựng trong khu công nghiệp theo đúng quy định của nhà nước. Ban Quản lý tổ chức đánh giá tác động môi trường (ĐTM), Đề án bảo vệ môi trường của ba KCN Gián Khẩu, Khánh Phú, Tam Điệp được lập và phê duyệt theo đúng quy định. Các dự án đầu tư vào KCN cũng thực hiện việc lập ĐTM và xác nhận Bản cam kết bảo vệ môi trường, xây dựng công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo cam kết trước khi dự án đi vào hoạt động.
“Một số sự cố về môi trường của một vài dự án khi mới đi vào sản xuất như nhà máy đạm, nhà máy kính đã khắc phục giải quyết kịp thời không để ảnh hưởng tới môi trường chung quanh” – Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Bình Nguyễn Văn Bình đánh giá. Hầu hết các dự án KCN chấp hành khá tốt các quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()