"Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long - 30 năm nhìn lại"
Ngày 19/5/2014 tại Thành phố Cần Thơ, Tạp chí Cộng sản phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học "Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long - 30 năm nhìn lại".
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Tham dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ; PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nguyễn Quốc Trung, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Cần Thơ. Dự Hội thảo còn có lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu quan tâm đến lĩnh vực này.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nêu bật và khẳng định tính đúng đắn quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở nước ta nói chung và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng suốt gần 30 năm qua đã đem lại nhiều thành tựu đáng kể, đóng góp quan trọng vào mục tiêu an ninh lương thực và xuất khẩu của cả nước…. để khẳng định, đây là vùng đất có vai trò hết sức quan trọng quan trọng đối với Nam bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.
PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản |
Các ý kiến và tham luận đã làm rõ những mặt được và tồn tại, hạn chế, yếu kém, đáng chú ý như: Trong thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển chưa xứng với tiềm năng vốn có của vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; phát triển công nghiệp, đô thị của vùng kém hiệu quả và gây khó khăn cho phát triền nông, ngư nghiệp. Đáng nói là mô hình “liên kết 4 nhà” thiếu bình đẳng, kém hiệu quả; nông nghiệp chưa phát huy lợi thế thành động lực thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông thủy bộ và hệ thống cảng biển còn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng. Với tham luận “Thực trạng và giải pháp liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long trước yêu cầu tái cơ cấu nền nông nghiệp”, đã chỉ ra việc liên kết vùng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết để phát huy thế mạnh của từng địa phương, nhưng đến nay các địa phương trong vùng chưa đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cục bộ của địa phương nên vẫn còn phát triển manh mún, thiếu tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Một mô hình mang lại nhiều kết quả, góp phần thực hiện tất cả các nội dung, mục tiêu của CNH, HĐH nông nghiệp đó là “cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL, ngày càng thể hiện là xu thế tất yếu trên con đường CNH, HĐH nông nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, quá trình triển khai lĩnh vực này trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều đáng nói hiện nay là, hệ thống thiết bị máy móc phục vụ cho chế biến các sản phẩm nông nghiệp chưa đồng bộ, nên dù năng suất các loại hoạt động nông nghiệp cao, nhưng giá trị thu lãi vẫn thấp.
Vấn đề được Hội thảo hết sức quan tâm đó là sự bất cập về nguồn nhân lực ở ĐBSCL trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vừa qua không chỉ yếu về chất lượng mà phần lớn chưa qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm và tác phong làm việc công nghiệp; cơ cấu lao động phân bố bất hợp lý trên nhiều mặt, cả về phân bố lực lượng, ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo và bố trí sử dụng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở khu vực này.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Phong Quang đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu thông qua nhiều ý kiến cũng như những bài tham luận đã nêu bật tính đúng đắn về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta về CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn khi được vận dụng vào ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Ban Tổ chức Hội thảo sẽ tiến hành tổng hợp và đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước một số giải pháp cơ bản góp phần tạo nền tảng và sức bật mới cho sự phát triển CNH, HHĐH nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL phát triển mạnh mẽ theo tinh thần Kết luận số 28-KL/TW ngày 14-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011 – 2020.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()