"Công nghiệp hỗ trợ không thể phát triển với thuế cao, giá đắt"
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của mỗi quốc gia, nhất là ở những quốc gia đang phát triển. Ở Việt Nam, phát triển CNHT đã được bàn đến từ hơn 10 năm trước, tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là vấn đề thời sự. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Ngành CNHT ở nước ta hiện nay chưa phát triển, phải chăng một phần do Việt Nam hiện không chủ động được về các nguyên vật liệu đặc thù mà phải dựa vào nhập khẩu? GS, TSKH. Nguyễn Mại: CNHT trước hết phải có quy mô. Rõ ràng, ngành may mặc của Việt Nam bắt đầu đi từ ngành gia công, trước đây thì gia công cho các nước XHCN, sau đó gia công cho các tập đoàn lớn. Nhưng dần dần mới tổ chức sản xuất như dệt, nhuộm và bây giờ đã chiếm được 45%. Đây là một điển hình. Xe máy của Honda hay các hãng khác cũng đã nội địa hóa được 90%, mỗi năm sản xuất 4 – 5 triệu chiếc. Như vậy, nếu chúng ta tập trung để có một chính sách rõ ràng cho các doanh nghiệp và tổ chức quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước ở từng ngành hàng thì chắc chắn chúng ta có thể không bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. PV: Vậy phải chăng bây giờ Việt Nam mới thấy được tầm quan trọng của CNHT vì ngày càng có nhiều hội thảo bàn về chủ đề này? Theo ông, những điều kiện cần và đủ để ngành công nghiệp này phát triển mạnh và bền vững tại Việt Nam? GS, TSKH. Nguyễn Mại: Về điều kiện cần, theo tôi, bây giờ là cơ chế thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài đã có những yêu cầu khắt khe với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được thì mới có thể tham gia đối tác được. Còn điều kiện đủ là Chính phủ phải có chính sách, đơn cử như giá là một yêu cầu. Các doanh nghiệp nước ngoài chỉ phải vay vốn tối đa từ 2 – 3%, trong khi đó doanh nghiệp nội địa phải đi vay với lãi suất “cắt cổ” từ 15 – 18% thì làm sao có doanh nghiệp Việt Nam nào có thể cạnh tranh về giá?. PV: Lợi nhuận là một trong các nhân tố kích thích nhà đầu tư bỏ vốn. Ông có những ý kiến và đề nghị gì với Chính phủ trong việc này? GS, TSKH. Nguyễn Mại: Chính phủ phải có một chính sách ưu đãi, hỗ trợ thông qua quỹ tín dụng ưu đãi cho CNHT giống như ưu đãi đối với đóng tàu vỏ sắt (ngư dân bây giờ chỉ trả lãi vay từ 1 – 3%). Bên cạnh đó là chính sách về thuế, Chính phủ phải là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp lớn dần. Ví dụ, thời gian đầu, Samsung cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, đó là họ cũng phát triển từ những doanh nghiệp rất nhỏ, nhưng điều quan trọng Chính phủ phải là bà đỡ. Khi doanh nghiệp lớn lên rồi thì lại hỗ trợ cho Chính phủ để Chính phủ thực hiện các mục tiêu khác. PV: Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những vấn đề mà chiến lược phát triển CNHT của Việt Nam đang gặp phải đó là ôm đồm quá nhiều mục tiêu và định hướng. Ở góc nhìn của một chuyên gia, theo ông Việt Nam nên ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành nào trước, ngành nào sau? GS, TSKH. Nguyễn Mại: Trong thế giới hiện đại, khi mạng sản xuất và phân phối mang tính khu vực và toàn cầu thì mỗi nước cần dựa vào lợi thế so sánh của mình để tập trung đầu tư phát triển một số công nghiệp hỗ trợ đạt được giá trị sản xuất và tỷ trọng xuất khẩu chiếm thị phần chi phối ở khu vực và toàn cầu như cách mà Malaysia đã làm vào thập niên 90 của thế kỷ trước đối với linh kiện điện và điện tử. Việt Nam cần lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia. Cũng không nên máy móc khi đặt vấn đề tỷ lệ nội địa hóa đối với từng loại sản phẩm như ô tô, xe máy, mà phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sự phân công và hợp tác theo chuỗi giá trị toàn cầu. PV: Vậy trong điều kiện Việt Nam là nước đi sau, làm thế nào để có thể phát triển CNHT trong khi các nước khác đã phát triển rồi, thưa ông? GS, TSKH.Nguyễn Mại: Việt Nam không thể phát triển đa ngành một cách đồng loạt được. Tôi lấy ví dụ, Thái Lan tập trung từ một ngành công nghiệp ô tô rất nhỏ, chỉ trong vòng từ 5 – 7 năm đã thu hút được 17 nhà đầu tư lớn nước ngoài như Ford, Toyota, Mercedes… rồi từ đó họ làm công nghiệp hỗ trợ từ cấp 3 lên cấp 2, và bây giờ 700 – 800 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan làm cấp 1. Rõ ràng, Việt Nam cũng cần phải có những chính sách như vậy. Hiện tại, Thái Lan đã sản xuất được khoảng 2 triệu 450 nghìn ô tô/năm, trong khi Việt Nam chỉ sản xuất được 100.000 xe ô tô/năm. Với con số nhỏ nhoi như thế thì làm sao có thể hình thành được ngành CNHT? Thực tế, CNHT của Việt Nam hiện nay đang chịu thuế cao, giá đắt thì làm sao có thể phát triển được?. Vì vậy, Chính phủ cần lựa chọn một số mặt hàng để phát triển trong tương lai. Tôi hy vọng những nhà sản xuất như Samsung với hơn 200 triệu điện thoại di động, hàng triệu chiếc tivi được sản xuất tại Việt Nam sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước hợp tác với họ. Chính phủ quyết tâm chọn một vài ngành để tập trung đầu tư, tổ chức các doanh nghiệp hợp tác với nhau, rồi doanh nghiệp giao cho các Hiệp hội làm cho bằng được để chúng ta có thể chiếm được khoảng 50% giá trị gia tăng của công nghiệp điện tử xuất khẩu. PV: Xin cảm ơn ông! |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()