LSO-Vốn đã có quy mô nhỏ, phân tán, nền công nghiệp địa phương trong 8 tháng đầu năm 2011 lại gặp thêm nhiều bất lợi do ảnh hưởng của lạm phát. Lãi suất tín dụng tăng cao cộng với việc đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “khó chồng lên khó”, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương vì thế cũng bị chững lại. Triển vọng lớn nhất hiện nay để vực dậy sản xuất chính là việc các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay.Xuất bán gạch ở Công ty Quyết Thắng - Ảnh: Đ.BTám tháng đầu năm 2011, mặc dù một số ngành, lĩnh vực có dấu hiệu bị chững lại do ảnh hưởng của lạm phát, tuy nhiên sản xuất công nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 1.321 tỉ đồng, đạt 65% kế hoạch, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp trung ương đạt 634 tỉ đồng, đạt 63,9% kế hoạch, tăng 23,7%; đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt 88,7...
LSO-Vốn đã có quy mô nhỏ, phân tán, nền công nghiệp địa phương trong 8 tháng đầu năm 2011 lại gặp thêm nhiều bất lợi do ảnh hưởng của lạm phát. Lãi suất tín dụng tăng cao cộng với việc đầu ra của sản phẩm bị thu hẹp khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình cảnh “khó chồng lên khó”, giá trị sản xuất công nghiệp địa phương vì thế cũng bị chững lại. Triển vọng lớn nhất hiện nay để vực dậy sản xuất chính là việc các ngân hàng thương mại thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay.
|
Xuất bán gạch ở Công ty Quyết Thắng – Ảnh: Đ.B |
Tám tháng đầu năm 2011, mặc dù một số ngành, lĩnh vực có dấu hiệu bị chững lại do ảnh hưởng của lạm phát, tuy nhiên sản xuất công nghiệp vẫn có mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 1.321 tỉ đồng, đạt 65% kế hoạch, tăng 15,8% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp trung ương đạt 634 tỉ đồng, đạt 63,9% kế hoạch, tăng 23,7%; đặc biệt, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã đạt 88,7 tỉ đồng, đạt 65,7% kế hoạch, tăng 244%.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành khá cao nhưng giá trị sản xuất công nghiệp địa phương lại có xu hướng giảm so với cùng kỳ (đạt 589 tỉ đồng, đạt 66,9% kế hoạch, giảm 1%). Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các doanh nghiệp điạ phương đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính yếu, nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng, nhất là trong tình trạng lãi suất cao như hiện nay. Bên cạnh đó, hầu hết giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào đều tăng cao làm gia tăng giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho khâu tiêu thụ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Hồng Thuỷ, Giám đốc Sở Công thương cho biết: ngành công thương cũng đang đứng trước những quan ngại về ảnh hưởng của lạm phát đến nền sản xuất công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là sản xuất công nghiệp địa phương. Tuy tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt tăng trưởng khá và đóng góp lớn vào GDP toàn tỉnh nhưng công nghiệp địa phương thực sự đang gặp khó về vốn sản xuất và đầu ra của sản phẩm. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp cùng các doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải để đảm bảo và giữ ổn định sản xuất.
Bên lề cuộc hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI ngày 30/8/2011 vừa qua, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Phong, đơn vị chuyên khai thác đá xây dựng chia sẻ: Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp tại Lạng Sơn, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp như Hồng Phong đang gặp phải những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Lãi suất cho vay của các ngân hàng từ đầu năm tới nay có thời điểm lên đến 23 – 25% năm, với mức lãi suất như vậy, việc các doanh nghiệp làm ăn có lãi là điều gần như bất khả thi.
Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi phải đạt mức lợi nhuận từ 55 đến 60% mới đủ bù chi phí sản xuất cộng lãi ngân hàng. Nếu so sánh với cách đây 2 năm, mức lợi nhuận này hoàn toàn đủ để chúng tôi trang trải mọi chi phí và hưởng lãi khoảng 15%. Lãi suất cao, cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng cũng khiến giá thành sản phẩm của chúng tôi bị đội lên, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Lạm phát thực sự đã khiến chu trình quay vòng vốn của chúng tôi bị chậm lại, gây ách tắc trong sản xuất. Nếu từ nay đến cuối năm, các ngân hàng không có lộ trình giảm lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Lạng Sơn sẽ khó có thể duy trì sản xuất cho đến hết năm.
|
Cụm công nghiệp số 2, xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc |
Mong mỏi của những chủ doanh nghiệp như ông Dũng đã phần nào được đáp ứng, bởi sau cuộc họp diễn ra ngày 26/8/2011 giữa Thống đốc Ngân hàng Nhà nước với 12 ngân hàng thương mại lớn nhằm bàn các giải pháp triển khai hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2011. Đầu tháng 9/2011, các ngân hàng thương mại lớn trên cả nước đã đồng loạt cam kết giảm lãi suất cho vay xuống còn từ 17 đến 19% năm nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất “dễ thở” hơn đã thắp lên những hy vọng vực lại sản xuất của nhiều doanh nghiệp cho dù thời gian còn lại của năm 2011 không còn nhiều.
Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào những dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát sẽ mở rộng đầu ra của sản phẩm, đồng thời việc các ngân hàng thương mại thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn về nguồn vốn sản xuất từ nay đến cuối năm, từ đó góp phần giữ vững mức tăng trưởng và giá trị sản xuất công nghiệp địa phương trong cả năm 2011.
Đón nhận thông tin này, một số doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn khá dè dặt về khả năng “thoát hiểm” với mức lãi suất mới, tuy nhiên cũng không ít các doanh nghiệp bày tỏ tự tin về khả năng duy trì tốt hoạt động từ nay đến cuối năm, đồng thời tạo được tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh phát triển sản xuất khi bước vào năm 2012.
Trúc Lam
Ý kiến ()