Công nghiệp Ðà Nẵng vượt khó để phát triển
Công ty cơ khí ô-tô và Thiết bị điện Đà Nẵng mỗi năm đóng mới xuất xưởng 40 xe ca và 50 xe tải các loại, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động, lương bình quân 3,3 triệu đồng một tháng.Ảnh : Thanh Lộc Việc thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã thu được một số kết quả bước đầu, nhưng công nghiệp Đà Nẵng vẫn đang vấp phải hàng loạt khó khăn, đặc biệt là về vốn và lao động có trình độ.Sản xuất, kinh doanh cầm chừngTheo báo cáo, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại gần sáu tháng đầu năm của Đà Nẵng cũng khá ổn. Giá trị sản xuất công nghiệp lũy kế năm tháng đầu năm 2011 đã vượt 5.450 tỷ đồng, tăng 14,6% so năm trước. Trong đó, công nghiệp trung ương tăng đến 19,3%; công nghiệp địa phương tăng 12%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,2% so cùng kỳ. Vài ngành tăng khá, như hóa chất tăng 32%, điện tăng 39%, may mặc tăng 27%... Nhưng trên thực tế chỉ mới đạt 37,5% kế hoạch năm 2011. Công nghiệp trung ương trên địa...
|
Sản xuất, kinh doanh cầm chừng
Theo báo cáo, sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại gần sáu tháng đầu năm của Đà Nẵng cũng khá ổn. Giá trị sản xuất công nghiệp lũy kế năm tháng đầu năm 2011 đã vượt 5.450 tỷ đồng, tăng 14,6% so năm trước. Trong đó, công nghiệp trung ương tăng đến 19,3%; công nghiệp địa phương tăng 12%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,2% so cùng kỳ. Vài ngành tăng khá, như hóa chất tăng 32%, điện tăng 39%, may mặc tăng 27%… Nhưng trên thực tế chỉ mới đạt 37,5% kế hoạch năm 2011. Công nghiệp trung ương trên địa bàn tăng không đều giữa các tháng, giữa các chu kỳ sản xuất. Công nghiệp địa phương vừa thiếu các ngành phụ trợ, vừa phát triển lúng túng trong các ngành hàng và trong nội bộ từng doanh nghiệp. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu phát triển chậm dần. Sức hấp dẫn về Chỉ số năng lực cạnh tranh, về môi trường đầu tư của Đà Nẵng tuy dẫn đầu liên tiếp ba năm qua, nhưng năm 2010 đã thấp điểm dần về nhiều mặt và đến nay vẫn chưa có những giải pháp khắc phục thật hiệu quả.
Đặc biệt, khi tìm hiểu kỹ từ các doanh nghiệp (DN) công nghiệp, có cảm nhận chưa bao giờ các chủ DN lo lắng nhiều như thời điểm này. Nói như anh Trần Quang Dũng, Giám đốc Công ty CP Nhựa Đà Nẵng, 'gỡ được cái khó này lại vướng hàng loạt khó khăn khác, mà nhiều cái khó đang vượt ra ngoài tầm giải quyết của DN'. Tìm hiểu thêm ở 29 DN, càng thấy rõ công nghiệp Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn như có biến động về tiền đồng và tỷ giá ngoại tệ mạnh, dẫn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các DN bị đảo lộn, chắp vá, phải đối phó với nhiều khó khăn nhất là DN vừa và nhỏ (với khoảng 11 nghìn DN). Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết 'chưa bao giờ DN khát vốn như hiện nay. Vốn tồn lưu trong ngân hàng khá nhiều, nhưng cả người cho vay và người đi vay đều giao dịch không mấy thành công'. Trong nghịch lý này có phần trách nhiệm của hệ thống ngân hàng địa phương, từ cách quản lý đến khả năng điều tiết tiền tệ. Tổng lượng tiền chu chuyển, cho vay năm cao nhất ở Đà Nẵng cũng chỉ khoảng 34 nghìn tỷ đồng. Nhưng, Đà Nẵng có đến 54 ngân hàng thương mại (NHTM), với gần 180 phòng giao dịch thứ cấp. Thực chất, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại Đà Nẵng không quản được lãi suất thật khi cho vay ở từng NHTM, nhất là với các NHTM cổ phần. Công tác giám sát, thanh tra không mấy hiệu quả trước tình trạng gom buôn tài chính giữa một số NHTM, khách quan cũng góp phần đẩy lãi suất cục bộ lên. Tuy các NHTM đều niêm yết lãi suất đầu vào bằng, hoặc thấp hơn 14%/năm. Song, có nghịch lý: Nếu gửi ít, mức lãi suất ấy là đương nhiên; nhưng nếu gửi nhiều (vài tỷ đồng trở lên), thì có thể mặc cả về lãi suất gửi cao hơn nhiều. Chính vì nhùng nhằng như thế, nên cho vay 'đầu ra' thường rất cao, trên 24%/năm. Cho vay nhiều, mức lãi cao, chính NHTM, cả các công ty cho thuê tài chính cũng sợ khó đòi tiền lãi, canh cánh thêm nỗi lo bị 'quịt' luôn vốn cho vay, nên họ thường cho vay nhỏ giọt, cầm chừng, hoặc chỉ cho vay theo kiểu kéo dài chu kỳ trả vốn cũ. Nhiều DN vay liều theo 'phi vụ', chấp nhận cả các mức phí quy định riêng, 'bất thành văn', có thể lên đến 27%/năm; trong khi, sản xuất công nghiệp khi lãi cao nhất cũng chỉ 14%; về thương mại cao nhất cũng chỉ lãi 18% cho mỗi chu kỳ quay vốn. Hàng loạt DN đành co cụm quy mô sản xuất, ngừng đầu tư phát triển mới, hoặc giảm mạnh số lượng lao động. Số ít DN né vay tiền đồng, chỉ vay USD, hoặc xoay xở vốn bằng các nguồn vay khác.
Về nguồn nhân lực, do bất cập giữa đào tạo và sử dụng, đúng như nhận xét của thạc sĩ Nguyễn Doãn Bính, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty CP xây dựng Công trình 525 (CIENCO5), Đà Nẵng: Không chỉ thừa 'thầy', thiếu 'thợ', mà còn vướng vào thực trạng 'làm thầy chưa đủ tầm, làm thợ chưa rành nghề'. Rất nhiều DN thiếu nghiêm trọng lao động phổ thông trong độ tuổi (ở các lĩnh vực chế biến thủy sản, sản xuất máy cơ – điện nhỏ, đồ chơi – điện tử, dệt – may, xây dựng – công nghiệp) và thiếu khá nhiều cán bộ quản lý – điều hành quy mô tổ chức cấp cơ sở (như phân xưởng trưởng, đốc công, dây chuyền trưởng, tổ trưởng bộ phận), từ đó làm cho các DN khó tổ chức tốt lao động – sản xuất, khi lực lượng lao động kém tính ổn định, thậm chí biến động nhanh. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng có trách nhiệm của từng DN, khi nhiều nơi trả lương khởi điểm không đủ bù đắp sinh hoạt thuần túy. Ngoài ra, còn có một số khó khăn đặc thù, tùy thuộc vào tình thế của từng DN. Các DN công nghiệp chú trọng thương mại thường kêu ca về tình trạng hàng ngoại giá rẻ, chất lượng thấp tràn lan trên thị trường, chèn ép sản xuất trong nước. Một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng than phiền về mức cước vận tải còn cao, cước phí qua cảng Đà Nẵng cũng cao hơn nhiều so các cảng biển khác. Số ít DN khác phản ánh về tình trạng công nhân thu nhập thấp thiếu chỗ ở trong các khu công nghiệp. Đặc biệt, rất khó chấp nhận tình trạng giữa các khu công nghiệp có giá thuê đất dành cho DN rất khác nhau, nơi tính bằng tiền Việt, nơi ấn định bằng USD…
Cần có những giải pháp khả thi
Để giải quyết vấn đề vốn, ở tầm vĩ mô, kiến nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ lãi suất dành cho một số đối tượng DN công nghiệp, theo những tiêu chí cụ thể (như có sẵn năng lực sản xuất quy mô lớn, công nghệ tiên tiến; đang tạo việc làm cho nhiều lao động; trực tiếp xuất khẩu; có khả năng trả lãi sớm; có đóng góp thiết thực về an ninh – xã hội…). Cơ chế và đối tượng được hỗ trợ lãi suất có thể khác năm 2008, nhưng nên mở thêm về hướng bảo lãnh tín dụng khi cho DN vay. Với địa phương, nên phối hợp với các ngành liên quan ở cấp Trung ương cho các DN công nghiệp Đà Nẵng được giảm thuế, lùi thuế và được trích thuế lại với tỷ lệ nhiều hơn, nếu nộp thuế vượt kế hoạch. Đà Nẵng cũng nên tìm cách tăng thêm tổng lượng tiền trong Quỹ Hỗ trợ đầu tư phát triển của thành phố, từ đó mở rộng đối tượng các DN được vay và cho phép nâng mức cho vay cao dần lên. Việc vừa qua bán được Quyền sử dụng nhiều lô đất diện tích lớn và cùng với tiến trình tiết giảm đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP đã tạo thuận lợi cho Đà Nẵng giải quyết sớm vấn đề này. Các DN cũng nên có thêm các đề án, phương án sản xuất mới, khả thi hơn, để khai thác được các nguồn vay từ Chi nhánh Ngân hàng phát triển Đà Nẵng. DN vừa và nhỏ ở Đà Nẵng đang giải quyết lao động cho khoảng 190 nghìn người, đóng góp khoảng 51,6% GDP của địa phương. Giải quyết được một phần vốn cho loại DN này chính là giải được cùng lúc cả bài toán phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Về lao động, nếu Sở Công thương, Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tốt với các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn và giảm thiểu được tình trạng phân tán nguồn lực đầu tư dàn trải trong lĩnh vực này thì sẽ sớm giải quyết được. Mấu chốt ở chỗ giữa đào tạo và sử dụng còn nhiều bất cập, khả năng dự báo sử dụng sau đào tạo vẫn yếu, vừa thừa vừa thiếu thông tin ngay trên cùng một địa bàn. Các DN ở Đà Nẵng cần phát huy cao tinh thần chủ động, sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm chi phí, vật tư, năng lượng, cải tiến quản lý, v.v… để vượt khó, giữ vững và phát triển sản xuất, kinh doanh. Mỗi DN công nghiệp Đà Nẵng nên sớm tái cấu trúc lại quy mô, các quá trình sản xuất, kể cả định hướng lại thị trường. Đà Nẵng hoàn toàn có thể tái cấu trúc lại các DN công nghiệp – thương mại theo từng nhóm, ngành hàng và chắc rằng hiệu quả sẽ cao hơn, đồng bộ hơn. Đồng thời, cần quan tâm thêm về cơ chế hỗ trợ dành riêng cho các DN xuất khẩu, những DN đang đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()