Công nghệ thúc đẩy tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Công nghệ hiện đại giúp các sản phẩm của Vinamilk thâm nhập thành công nhiều thị trường.
Kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp không ít khó khăn, hạn chế khi thâm nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Thiếu những cái bắt tay
Năm 2017 là năm đặc biệt thành công của XK khi lần đầu tiên kim ngạch nước ta đạt 214 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2016. Thị trường XK được mở rộng, phát triển mạnh theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Cơ cấu mặt hàng XK chuyển dịch tốt, chiếm đa số là nhóm hàng công nghiệp.
Cùng với đó, số lượng các doanh nghiệp (DN) XK cũng ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, có những DN đã đạt được tầm giá trị cao trong khu vực và thế giới như Vinamilk, Trung Nguyên, Hòa Phát…
Vinamilk hiện còn được xếp vào một trong 300 DN hàng đầu Châu Á và đang đầu tư 10 trang trại, nuôi 25 nghìn con bò, chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm hoàn toàn trọn gói, đạt chuẩn theo Global GAP, hữu cơ để có thể cung cấp cho thị trường nội địa và XK cho các thị trường cao cấp như Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các DN như Vinamilk chỉ chiếm số ít trong tổng số DN Việt. Theo báo cáo Việt Nam trước ngã rẽ – Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) thế hệ mới của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy, nước ta mới chỉ có 300 DN đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là DN lớn, 2-5% là DN vừa, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.
“Việt Nam đã hội nhập thành công vào nhiều chuỗi cung ứng, nhưng mới chuyên sâu vào các hoạt động sản xuất công nghiệp ở công đoạn cuối cùng, giá trị gia tăng (GTGT) thấp và kết nối trong nước yếu. Đặc biệt, dư địa dành cho chính các DN sản xuất trong nước không nhiều, còn lại thuộc về các DN FDI lớn. Hầu hết công đoạn GTGT cao (đổi mới sáng tạo, thiết kế, sản xuất phụ tùng, cấu kiện lõi…) đều nằm ngoài Việt Nam. Những dịch vụ quan trọng cũng thường do DN nước ngoài cung cấp”, bà Lan nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân, bà Phạm Chi Lan cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn đang “thiếu đi những cái bắt tay liên kết”. Vai trò các khu/cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh còn rất hạn chế. Phần lớn các cụm công nghiệp hiện nay chỉ dựa theo địa lý, không theo chuỗi sản phẩm cung ứng để tiết giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất giữa các DN. Ngay cả quá trình sản xuất của DN Việt cũng ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Tỷ lệ sản phẩm được nhà đầu tư nước ngoài mua từ các nhà chế biến chế tạo trong nước chỉ tương đương 26,6% tổng giá trị đầu vào của DN FDI, trong đó một phần mua của DN FDI khác.
Hạn chế này cũng đến từ phía các DN khi chưa có tầm nhìn chiến lược. “Nhiều DN Việt còn có tư duy ngắn hạn, chỉ nhằm mục đích cải thiện kinh tế gia đình, chạy theo thành tích về số lượng, chứ chưa nhằm xây dựng thương hiệu, xác định tầm nhìn toàn cầu hóa. DN không hiểu hết hệ thống phân phối, văn hóa tiêu dùng của nước nhập khẩu. Kiến thức về quản lý sản xuất, luật pháp nước nhập khẩu… gần như không có. Chưa kể, DN không có đủ tiềm lực tài chính để tự phát triển kênh phân phối chuyên biệt và cũng chưa có đủ năng lực quản lý quốc tế”, ông Đoàn Anh Tuân – Chủ tịch Công ty Chè Thế hệ mới đánh giá.
DN Việt còn thiếu kỹ năng lao động, quản lý, ít đổi mới công nghệ, khó tiếp cận tài chính. Thiếu tính lan tỏa từ đối tác nước ngoài đến các DN trong nước. Chưa kể, sự đầu tư của DN vào công nghệ tiên tiến giúp sản phẩm đạt các tiêu chuẩn cao chưa nhiều. Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) thực hiện với các DN nhỏ được bình chọn DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, số DN có nghe, biết về VietGAP là 98%, GlobalGAP là 44%, nhưng chỉ 11% có chứng nhận VietGAP, 7% có GlobalGAP.
Ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực
Ông Trần Đình Toản –Chủ tịch Liên minh hỗ trợ XK Việt Nam (VESA) cho rằng, các DN Việt cần chủ động hơn nữa trong xây dựng thương hiệu, có chiến lược mang tính dài hơi để tiếp cận thị trường quốc tế, liên kết hợp tác tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình. Đồng thời phát triển các sản phẩm mới, độc quyền để có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cũng như trong nước.
Đặc biệt, trong thời đại Công nghiệp 4.0, việc các DN phát triển thị trường thông qua các trang thương mại điện tử (TMĐT) là rất cần thiết. Từ đó, hình thành các hệ sinh thái TMĐT, kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, thay thế hoàn toàn chuỗi kinh doanh truyền thống, tạo ra cơ hội lớn cho các DN vừa và nhỏ Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Để làm được điều đó, theo bà Phạm Chi Lan, quan trọng nhất vẫn phải là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đúng quy trình sản xuất, công nghệ, đạt các chứng nhận theo chuẩn quốc tế. Hiện nay, trên thị trường có một số sản phẩm như: nước mắm Vị Quê (Phú Quốc); Cà pháo mắm tôm (Công ty Ngọc Liên)… dù chỉ do DN nhỏ và vừa sản xuất nhưng đã đạt được kiểm soát chứng nhận của FDA vào Mỹ, được người tiêu dùng đón nhận, lượng XK không đủ đáp ứng nhu cầu. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chất lượng sẽ giúp nâng cao GTGT sản phẩm rất tốt.
Ngoài ra, theo ông Đoàn Anh Tuân, Nhà nước cần phải có một giải pháp tổng thể hỗ trợ DN. Bên cạnh những cơ chế hỗ trợ đặc biệt về điều kiện kinh doanh, thuế, phí… còn phải có sự đầu tư dài hạn cho giáo dục, đào tạo, đặc biệt là khoa học công nghệ. Bởi muốn có nền kinh tế mạnh phải có công nghệ quy trình đồng bộ hiện đại, không phụ thuộc vào nước ngoài thì mới tạo nên những sản phẩm có GTGT cao.
Hỗ trợ cho các DN XK, ông Đỗ Văn Long – Giám đốc chiến lược Công ty Infinity Blockchain Labs (IBL) cho hay, công nghệ blockchain (khối chuỗi) đang là “ứng cử viên” sáng giá cho việc hỗ trợ truy suất nguồn gốc minh bạch và thông tin xuyên suốt cho sản phẩm XK. Hiện nay, IBL đang thử nghiệm công nghệ hơn 500 trái xoài theo cách sử dụng công nghệ blockchain ngay dưới tem truy suất nguồn gốc. Khi dùng điện thoại thông minh soi vào sẽ mở ra một trang web, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng từ việc trái xoài này được sản xuất tại đâu, sơ chế thế nào, nếu ăn ở thời điểm này có vị ra sao, khi nào trái xoài hết hạn sử dụng… Từ nay đến cuối năm, IBL dự kiến sẽ XK sản phẩm ứng dụng công nghệ này, giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ như hiện nay.
Theo Nhandan
Ý kiến ()