Công nghệ đập cầu chì giúp tối ưu hóa khi xả lũ
Ngày 5/7, tại Hà Nội, Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phối hợp với Tập đoàn xây dựng Vinci (Pháp) tổ chức Hội thảo giới thiệu công nghệ đập cầu chì – Hệ thống Hydroplus, cho phép giảm tác động của biến đổi khí hậu nhằm tạo cơ hội trao đổi, nghiên cứu cho các cơ quan, chuyên gia trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi Biến đổi khí hậu tác động lên môi trường cũng như điều kiện sống của con người ngày càng lớn, việc áp dụng những giải pháp hợp lý để giảm thiểu các tác động của Biến đổi khí hậu trở thành vấn đề cấp bách.
Với lượng trữ nước lớn, các hồ chứa có vai trò to lớn trong điều hòa dòng chảy ở hạ du khi có những diễn biến bất thường của khí hậu tác động đến nguồn nước trên các lưu vực sông và một trong những giải pháp hữu hiệu đã được thực hiện trên thế giới đó là xây dựng các đập cầu chì nhằm tăng khả năng trữ nước của các hồ chứa, bảo đảm an toàn đập và kiểm soát lưu lượng nước sông ở hạ lưu các hồ làm giảm tác động của biến đổi khí hậu đến nguồn nước trong sông.
Tại Hội thảo, chuyên gia về công nghệ đập cầu chì – hệ thống Hydroplus (Pháp) cho biết, đây là công nghệ để tăng trữ lượng nước các hồ chứa và tối ưu khả năng hoạt động của các cửa tháo nước; hệ thống cửa xả tự động, hệ thống gồm các bộ phận ghép nối và không liên quan với nhau, khi có lũ đột xuất, cửa đập sẽ tuần tự mở ra theo mức nước tràn.
Tiết kiệm và lắp đặt nhanh, thiết bị nâng cao không mang tính cơ khí này thích ứng với những đập tương lai cũng như với những công trình hiện có và không cần nhiều chi phí bảo trì. Đặc biệt, công nghệ này không phát thải và đóng góp cho sự phát triển bền vững, không tiêu tốn dạng năng lượng nào khác ngoài lực tự nhiên của nước.
Thực tế, trong những năm qua các hiện tượng bất thường của khí hậu, thời tiết đã xảy ra liên tục. Mùa khô ngày càng kéo dài, hạn hán gây thiếu nước xảy ra trên diện rộng liên tục trong mùa khô các năm từ 2008 đến nay, không chỉ xảy ra ở khu vực miền Trung, Tây nguyên, miền núi cao phía Bắc mà ngay cả ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Lượng nước mùa khô ở nhiều vùng (từ Bắc Trung bộ đến đồng bằng sông Cửu Long) bị suy giảm (dự báo đến năm 2020 giảm từ 2,3% đến 16%). Mùa mưa, lũ tăng lên ở tất cả các sông trong cả nước (dự báo đến năm 2020 tất cả các sông đều tăng từ 2,3-5,4%).
Mực nước biển dâng cao dẫn tới ngập lụt vùng ven biển; gia tăng tình trạng xâm nhập mặn vùng cửa sông, đồng bằng ven biển; gây xói lở, sa bồi làm thay đổi cân bằng tự nhiên và sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng ven bờ.
Đồng thời, còn làm gia tăng ngập lụt vùng đồng bằng, hàng triệu ha vùng ven biển có thể bị chìm ngập, hàng trăm hécta rừng ngập mặn có thể bị mất, các hệ sinh thái đất ngập nước ven bờ bị tác động sâu sắc.
Các hệ sinh thái thủy sinh, nguồn lợi thủy sản và nghề cá, đời sống, sinh hoạt, các công trình xây dựng của cư dân ven bờ cũng thay đổi theo chiều hướng xấu đi.
Hiện cả nước có khoảng 2.900 hồ chứa thủy lợi, thủy điện có dung tích từ 200.000 m3 trở lên đã vận hành, đang xây dựng hoặc đã có quy hoạch, với tổng dung tích các hồ chứa là trên 65 tỷ m3.
Trong đó, có 2.100 hồ đang vận hành với tổng dung tích hơn 34 tỷ m3; 240 hồ đang xây dựng với tổng dung tích hơn 28 tỷ m3, và trên 510 hồ đã có quy hoạch với tổng dung tích gần 4 tỷ m3.
Riêng các hồ chứa thủy điện có tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 nước (chiếm 86% tổng dung tích trữ nước của các hồ chứa). Các lưu vực sông có dung tích hồ chứa lớn là sông Hồng (khoảng 30 tỷ m3); sông Đồng Nai (trên 10 tỷ m3); sông Sê San (gần 3,5 tỷ m3); sông Mã, sông Cả, sông Hương, sông Vũ Gia – Thu Bồn và sông Srêpok (có tổng dung tích hồ chứa của mỗi lưu vực từ 2 tỷ m3 đến 3 tỷ m3)./.
Ý kiến ()