Công nghệ càng hiện đại, lượng ôtô bị triệu hồi càng lớn
Ảnh minh họa.
Những chiếc ôtô đang ngày càng trở nên an toàn và được trang bị những công nghệ hiện đại hơn bao giờ hết, thế nhưng số lượng xe bị triệu hồi của các hãng lại liên tục gia tăng.
Chỉ riêng ở Mỹ, số lượng xe ôtô bị triệu hồi đã tăng gấp ba lần trong 20 năm qua, từ 19,4 triệu chiếc năm 1996 lên 53,1 triệu chiếc vào năm 2016.
Trong vòng ba năm trở lại đây, 20% số lượng xe đang lưu thông ở Mỹ đã phải “hồi xưởng,” trong đó có những đợt thu hồi liên quan đến lỗi túi khí của Takata và bộ phận đánh lửa của General Motors.
Trong khi đó, ở Vương quốc Anh, hơn 3 triệu xe hiện đang trong quá trình thu hồi.
Có hai nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số xe phải “hồi xưởng.” Thứ nhất, ôtô ngày càng được “điện tử hóa,” đồng nghĩa với việc các lỗi phần mềm sẽ ảnh hưởng đến không chỉ một đợt xe xuất xưởng từ một nhà máy nào đó, mà còn có thể ảnh hưởng đến hàng triệu chiếc xe ở nhiều quốc gia.
Số xe bị thu hồi do các lỗi điện tử đã tăng 30% mỗi năm kể từ năm 2012, cao hơn rất nhiều so với con số trung bình 5%/năm trong giai đoạn từ 2007-2012, theo số liệu của công ty tư vấn AlixPartners.
Nguyên nhân thứ hai là chính sách cắt giảm chi phí của các nhà sản xuất ôtô. AlixPartners ước tính sau cuộc khủng khoảng tài chính, các nhà sản xuất ôtô trên toàn cầu đã cắt giảm từ 1/3 đến một nửa nhân sự trong mảng quản lý chất lượng.
Một vài vấn đề về chất lượng được xem là khá nhỏ nhặt. Chẳng hạn như trong năm nay, Lamborghini đã triệu hồi siêu xe Centenario do dán nhãn ghi sai trọng lượng tối đa cho phép. Tuy nhiên, các trường hợp khác có thể sẽ nghiêm trọng hơn nhiều, như vôlăng có thể bị lỏng lẻo và thậm chí là rơi ra đã khiến Ford quyết định thu hồi 1,4 triệu xe ở Mỹ.
Khi phát hiện ra lỗi, các nhà sản xuất sẽ phải xem xét tần suất và tính nghiêm trọng của lỗi này, cũng như tính toán chi phí cho việc triệu hồi và sửa chữa xe.
Bất cứ tính toán sai lầm nào cũng có thể khiến các nhà sản xuất ôtô phải trả giá đắt. Điển hình như lỗi mất kết nối giữa ắc quy với cầu chì ở xe ôtô của BMW. Hãng ôtô Đức này đã triệu hồi một số lượng xe vì một lỗi tương tự ở Mỹ, Nam Phi và Australia, nhưng lại không tiến hành thu hồi ở Anh vì nghĩ rằng lỗi này chỉ xảy ra trong điều kiện thời tiết ấm hơn.
Sau đó, tháng 4/2017, BMW đã phải triệu hồi 36.000 xe ở Anh, và 312.000 chiếc nữa trong đợt thu hồi tháng trước.
Nhiều tổ chức hành động vì người tiêu dùng cho rằng các cơ quan quản lý cần được trao nhiều quyền hơn để có thể buộc các nhà sản xuất phải triệu hồi xe.
Trong khi Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) có quyền buộc nhà sản xuất phải tiến hành thu hồi sản phẩm, thì cơ quan DVSA của Anh chỉ có thẩm quyền đề xuất hành động.
Chính vì vậy, chuyên gia Alex Neil của tổ chức người tiêu dùng Which? cho rằng chính phủ cần phải đảm bảo rằng DVSA có thẩm quyền cần thiết để bảo vệ người tham gia giao thông khỏi những nguy hiểm đến từ những chiếc xe không an toàn./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()