Công lý, đối thoại và ngoại giao
Trước bối cảnh sự leo thang căng thẳng giữa Nga và Ukraine quan điểm của Nhà nước Việt Nam luôn đứng về công lý và đề xuất biện pháp đối thoại, ngoại giao để giải quyết các vấn đề hiện nay. Tuy nhiên thời gian qua, trên các diễn đàn, mạng xã hội xuất hiện một số bài viết với lối suy diễn ác ý, xuyên tạc về quan điểm của Việt Nam đối với tình hình tại Ukraine hòng nhằm hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước và làm xấu hình ảnh của Việt Nam với cộng đồng quốc tế khiến dư luận rất bất bình.
Ngày 24/2/2022, Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine với cơ sở đưa ra là quyền tự vệ theo Điều 51 Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và nhằm chấm dứt hành vi bị cho là “diệt chủng” của Ukraine tại vùng Donetsk và Luhansk. Chiến tranh khiến hàng triệu người dân Ukraine cần viện trợ nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Cộng đồng quốc tế mong muốn Nga và Ukraine sớm tìm ra giải pháp hòa bình và chấm dứt cuộc chiến này.
Ngày 27/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 2623 (2022), quyết định triệu tập phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên hợp quốc liên quan tình hình tại Ukraine. Đây là cơ hội để 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc lên tiếng và thúc đẩy các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình.
Phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc được khai mạc vào ngày 28/2, các thành viên đã thông qua Nghị quyết A/RES/ES-11/1 vào ngày 2/3, trong đó thể hiện sự lo ngại lớn với báo cáo về các vụ việc tấn công cơ sở dân sự, kêu gọi cần có biện pháp khẩn cấp để cứu người dân tại Ukraine khỏi khói lửa chiến tranh và yêu cầu Nga “rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các đường biên giới được quốc tế công nhận”.
Một cuộc bỏ phiếu thông qua Nghị quyết với tỷ lệ 141 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng (trong đó có Việt Nam, Cuba, Trung Quốc, Nam Phi, Ấn Độ…). Tại phiên họp, các quốc gia cũng bày tỏ quan điểm của mình thông qua người đại diện. Nội dung các phát biểu này cũng thể hiện lập trường của các quốc gia.
Ngày 1/3, Đại sứ Đặng Hoàng Giang-Trưởng Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu và khẳng định lập trường, quan điểm của Việt Nam rằng, một khi chiến tranh nổ ra chỉ gây đau khổ vô tận cho người dân.
Đại sứ nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, “mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”.
Đại sứ cũng bày tỏ Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine, và kêu gọi các bên có giải pháp giảm leo thang căng thẳng, giải pháp được đề xuất là “nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung”.
Lập trường này của Việt Nam cũng được đề cập trong nội dung phát biểu của đại diện quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Như phát biểu của nữ Đại sứ Noor Qamar Salaiman (Brunei) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các nguyên tắc cơ bản của pháp luật và tôn trọng pháp luật quốc tế. Đại sứ Suriya Chindawongse (Thái Lan) cho rằng, một giải pháp bền vững phải được tìm thấy thông qua Liên hợp quốc và các cơ chế hiện có. Ông tin rằng con đường hòa bình, hòa giải và láng giềng tốt cuối cùng sẽ thành công.
Một lần nữa khẳng định quan điểm của Việt Nam về cuộc chiến của Nga tại Ukraine, bà Lê Thị Thu Hằng-người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã khẳng định khi trả lời báo chí về việc bỏ phiếu của Việt Nam trong phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an, “Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại về tình hình Ukraine” và cho rằng “ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được các giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Điều này phù hợp tinh thần được quy định tại Điều 12 Hiến pháp 2013 của Việt Nam-đạo luật có giá trị cao nhất, rằng “nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Như vậy, Việt Nam luôn nhất quán từ văn bản pháp lý đến tuyên bố, phát ngôn khi đưa ra quan điểm của quốc gia về cuộc chiến tại Ukraine là kêu gọi chấm dứt hành vi sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, về giải pháp đối thoại và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho các bên để kiềm chế leo thang hoạt động vũ trang. Việt Nam không thiên vị bên nào mà đứng về lẽ phải và công lý. Bởi đây cũng là thông điệp rõ ràng của Đại hội đồng Liên hợp quốc: Hãy mở rộng cánh cửa đối thoại và ngoại giao ngay từ bây giờ.
Cộng đồng quốc tế đã thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc ngày 24/3 Liên hợp quốc ra Nghị quyết thứ 2 là A/RES/ES-11/2 với tên gọi “Hậu quả nhân đạo và hành động xâm lược Ukraine” với 140 phiếu thuận, 5 phiếu chống và 38 phiếu trắng. Liên hợp quốc kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Trong phiên họp ngày 23/3, Đại sứ Đặng Hoàng Giang tiếp tục khẳng định mọi tranh chấp quốc tế phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Đại sứ nhấn mạnh nhu cầu quan trọng hiện nay là phải chấm dứt các hành động thù địch và tìm ra giải pháp lâu dài.
Kết quả bỏ phiếu thông qua hai nghị quyết nêu trên của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cho thấy mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực kêu gọi Liên bang Nga ngừng các hoạt động leo thang xung đột và tìm kiếm giải pháp để ngừng tiếng súng cũng như giải quyết các vấn đề nhân đạo tại Ukraine. Các nghị quyết này cũng thúc giục giải quyết hòa bình ngay lập tức xung đột giữa Nga và Ukraine thông qua đối thoại chính trị, đàm phán và các biện pháp hòa bình khác theo quy định pháp luật quốc tế.
Mặc dù các nghị quyết này không có giá trị ràng buộc pháp lý với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, nhưng việc các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc được thông qua sẽ giúp người dân Ukraine có thêm lý do tin tưởng vào Liên hợp quốc. Bởi người dân Ukraine rất cần hòa bình, và mọi người trên thế giới cũng mong muốn điều này.
Bất chấp thực tế đó, thời gian qua, tại một số diễn đàn đã xuất hiện những bình luận cho rằng quan điểm này của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”. Chúng ta cần nhận biết rằng, Việt Nam là quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến, hiểu rõ sự tàn phá và những thương đau của chiến tranh và như vậy càng hiểu rõ, quý trọng cái giá của hòa bình, khát vọng hòa bình. Những bình luận kích động đã lộ rõ ý đồ nhằm tạo ra những căng thẳng, xung đột trong nội bộ, gây chia rẽ mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước bạn.
Không dừng ở đó, còn có các bài viết với nội dung nhằm kích động người dân khi đưa ra thăm dò ý kiến người đọc để tìm kiếm cái được gọi là bằng chứng “người dân ủng hộ đa số”, quan điểm của Nhà nước Việt Nam “chỉ là thiểu số”.
Ngoài ra, một số bài trên các trang báo nước ngoài còn tỏ ra nghi vấn về thái độ của Nhà nước, quy chụp rằng Việt Nam quay lưng với hòa bình. Hành động này đã lộ rõ âm mưu đằng sau là hạ thấp uy tín của Nhà nước đối với người dân, từ đó hướng lái đến vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Với cách phỏng vấn một số cá nhân có nhận thức phiến diện được cho là “chuyên gia”, nhưng thực chất nội dung trao đổi lộ rõ động cơ chống phá Đảng, Nhà nước và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trong quan hệ quốc tế từ vấn đề của Ukraine.
Thực tiễn đã chứng minh, Nga và Ukraine đều là các đối tác quan trọng của Việt Nam. Tình hữu nghị thân thiết giữa Việt Nam và Nga, Việt Nam và Ukraine luôn bền vững trong thời gian qua và mở rộng trên tất cả lĩnh vực chính trị-ngoại giao, thương mại, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ… Việc Việt Nam kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp lâu dài trên cơ sở tính đến lợi ích và quan ngại của các bên; tôn trọng pháp luật quốc tế; chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; quan tâm đến an toàn của cư dân đang sinh sống tại Ukraine cũng như các hoạt động cứu trợ nhân đạo, là phù hợp tình hình hiện nay.
Sự lựa chọn này sẽ không làm phức tạp thêm tình trạng căng thẳng, không làm sâu sắc hơn cuộc xung đột và không tạo ra các làn sóng biểu tình ủng hộ một bên ngay trong lòng quốc gia mình. Đây cũng là sự lựa chọn của rất nhiều quốc gia trên thế giới khi bỏ phiếu trắng khi thông qua hai Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bởi quan hệ ngoại giao nhất quán của Việt Nam là chọn chính nghĩa.
Theo Nhandan
Ý kiến ()