Cổng làng - nét văn hóa nông thôn mới ở Chi Lăng
LSO-Cổng làng ở các thôn, làng ở các xã vùng đồng bằng ra đời gắn với sự hình thành thôn làng. Xưa kia ngoài ý nghĩa phân chia ranh giới, cổng làng còn là nơi lưu giữ những giá trị của đời sống văn hóa gắn với lũy tre, giếng nước và mang phong cách, hồn cốt của làng.
Ở miền núi như Lạng Sơn, những năm trước đây, để tìm được một thôn bản có cổng làng vô cùng khó. Thế nhưng giờ thì điều đó đang hiển hiện tại hầu hết các thôn tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Đây là những cổng làng nông thôn mới của xã nông thôn mới gắn với địa danh lịch sử Ải Chi Lăng – nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của cha ông đất Việt nói chung và của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cổng làng thôn Ga – khu dân cư văn hóa, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng |
Ông Lăng Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng cho biết: ý tưởng xây dựng các cổng làng tại các thôn là nhằm lưu giữ, đánh dấu thời kỳ xây dựng nông thôn mới của thôn rất hiệu quả, mà ở đó hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các thôn đã hoàn chỉnh phục vụ đắc lực cho công cuộc phát triển sản xuất, làm giàu cho mỗi người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Những công trình cổng làng được đầu tư xây dựng tác động tới ý thức xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư rất hiệu quả sau này. Công trình cổng làng thôn Làng Ngũa được xây dựng đầu tiên vào giữa năm 2014, sau đó, phong trào xây dựng cổng làng phát triển ra toàn xã. Đến giữa tháng 10/2014, đã có 10 cổng làng được đầu tư xây dựng tại 14 thôn và dự kiến đến hết tháng 11/2014, toàn bộ các thôn của xã Chi Lăng sẽ hoàn thành xây dựng cổng làng. Tổng kinh phí xây dựng các công trình cổng làng đã thực hiện đạt 300 triệu đồng. Bình quân để xây dựng một cổng làng, các thôn tốn khoản kinh phí tương đương 30 triệu đồng. Đáng chú ý toàn bộ thiết kế, kinh phí xây dựng đều do người dân tự góp tiền thực hiện. Trong 10 cổng làng đã hoàn thành, cổng làng thôn Quán Thanh có quy mô hoành tráng nhất.
Ông Vi Ngọc Lưu, Trưởng thôn Quán Thanh cho biết: để thiết kế xây dựng công trình cổng làng như bây giờ, thôn đã mất nhiều thời gian họp bàn và có nhiều ý kiến đóng góp xoay quanh việc thiết kế, huy động kinh phí xây dựng cổng làng. Sau nhiều cuộc họp, một phương án tối ưu cho thiết kế cổng làng đã ra đời. Theo đó, cổng làng thôn Quán Thanh phải thể hiện được bản sắc riêng và tâm thế mới của thôn trên con đường phát triển. Để có kinh phí xây dựng cổng làng, thôn đã ra nghị quyết mỗi hộ đóng 200 nghìn đồng và kêu gọi sự đóng góp từ người dân xa quê. Từ nguồn này, thôn đã huy động được hơn 33 triệu đồng, trong đó những người con xa quê đã góp 8,5 triệu đồng để xây dựng cổng làng. Chị Hoàng Thị Hạnh, một người dân thôn Quán Thanh có nhà ngay sát với cổng làng cho biết: Trước đây chưa có cổng làng, mọi người qua lại thấy bình thường. Giờ thì khác, hàng ngày mọi người đưa con đi học hay đi làm qua cổng làng đều thấy một cảm giác thôi thúc ý chí và luôn tự nhủ rằng phải làm việc sao cho thật hiệu quả và sống vì cộng đồng nhiều hơn.
Về Chi Lăng những ngày tháng 10/2014, nhìn ngắm những cánh đồng lúa trĩu bông đang ngả vàng chờ ngày thu hoạch cùng những tuyến đường giao thông sạch sẽ và được tô điểm bởi những cổng làng còn thơm mùi sơn mới, chúng tôi thấy lâng lâng niềm hãnh diện về một vùng quê đổi mới.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()