Công khai bản án nhằm công khai minh bạch hoạt động của tòa án
Có bản án bị trả lại đến 7 lần
Về thực tế nhiều vụ án bị đề nghị điều tra bổ sung, trả lại nhiều lần, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay có khá nhiều vụ án bị trả lại, cá biệt có vụ án bị trả lại tới 7 lần. Cụ thể, TAND các cấp đã trả và yêu cầu điều tra bổ sung hơn 2.000 vụ án. Điều này là cần thiết khi các vụ án chưa đủ căn cứ chứng minh tội phạm, có dấu biệu bỏ lọt tội phạm. Đây là một chế định được luật cho phép. Trong 145 vụ án trả điều tra bổ sung năm 2017, số vụ trả lại từ 2-3 lần là khoảng 100 vụ, trả 4 lần là 20 vụ, trả 5 lần có 9 vụ. Vụ trả nhiều nhất là 7 lần đã được xét xử sơ thẩm. Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhận định, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chất lượng điều tra vụ án có vấn đề. Bên cạnh đó, một số thẩm phán cũng không tuân thủ pháp luật, có chuyện nể nang trong việc tuyên án.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chiến đưa ra băn khoăn về thực tế nhiều vụ án bị trả lại nhiều lần
Về giải pháp khắc phục tình trạng trên, đại diện TAND tối cao khẳng định, không cách nào khác là cơ quan chức năng phải nâng cao chất lượng giải quyết vụ án ở giai đoạn điều tra, truy tố. Tòa án các cấp quán triệt đội ngũ thẩm phán tuân thủ quy định của pháp luật, không được trả lại quá nhiều lần 1 bản án. Về mặt kỹ năng, tòa án phải ghi rõ những yêu cầu điều tra bổ sung và trước khi nhận lại hồ sơ thì kiểm tra những yêu cầu điều tra trước đó. Nếu như trước đây, một vụ án VKSND được trả 2 lần, TAND trả 2 lần thì đến tháng 1/2018, TAND trước khi xét xử được trả 1 lần và chủ tọa được trả 1 lần khi xét xử.
Công khai bản án là định hướng trong cải cách tư pháp
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc công khai bản án có vi phạm đời tư công dân hay không, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Công khai bản án trên mạng là một trong những giải pháp đột phá của ngành tòa án trong năm 2017. Việc công khai bản án nhằm đảm bảo quyền tiếp cận thông tin theo quy định của Hiến pháp. Đồng thời, đây cũng là chủ trương thực hiện việc công khai, minh bạch của tòa án trong bối cảnh đổi mới hoạt động cải cách tư pháp. Đến nay TAND tối cao đã công bố được 32.318 bản án. Từ tháng 9 đến nay có gần 1,4 triệu người dân truy cập và nhận được 5.300 ý kiến của người dân góp ý cho hơn 1.600 bản án, đa số là đánh giá tích cực…
“Việc công khai minh bạch bản án cũng là đề cao trách nhiệm của thẩm phán. Mỗi khi thẩm phán đặt bút viết bản án thì biết rằng sau đây mấy ngày, người dân sẽ phán xét về quyết định của mình. Vì vậy, thẩm phán sẽ thận trọng hơn trong thực hiện bản án. Qua đây, người dân và cơ quan dân cử cũng có thể giám sát tòa án và là kênh thông tin để chúng tôi đánh giá chất lượng thẩm phán”, Chánh án nhấn mạnh.
Trước băn khoăn của đại biểu Lê Ngọc Hải về việc công bố bản án có ảnh hưởng tới quyền bí mật đời tư của công dân hay không, ông Bình cho hay, toà án đã ban hành Nghị quyết quy định rõ một số bản án sẽ không được công khai liên quan tới an ninh quốc gia, liên quan tới trẻ vị thành niên… và khi công khai phải mã hoá tên những người liên quan trong bản án. Điều này cho thấy bí mật đời tư đã được đảm bảo.
Không có gì giấu giếm trong phiên xét xử bị cáo Châu Thị Thu Nga
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Phùng (Thái Nguyên) về vấn đề khởi tố tại tòa, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Về mặt chức năng nhiệm vụ, trong quá trình xét xử, Tòa án có quyền khởi tố vụ án, bị can tại tòa và kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, việc khởi tố tại tòa phải đáp ứng đầy đủ các quy định về mặt chứng cứ. Do đó, Hội đồng thẩm phán thường chọn giải pháp kiến nghị viện kiểm sát và cơ quan điều tra khởi tố hơn là khởi tố tại tòa, trừ những vụ có dấu hiệu rõ ràng. Đây là giải pháp an toàn của thẩm phán.
Về ví dụ cụ thể, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã dẫn ra vụ Oceanbank, với kiến nghị khởi tố về khoản thất thoát của Tập đoàn dầu khí và cơ quan điều tra sau đó cũng đã khởi tố vụ án này. Ngoài ra, tòa án đã bổ sung khởi tố Trịnh Xuân Thanh ở tòa phúc thẩm về hành vi tham ô. Ngoài Trịnh Xuân Thanh, tòa án cũng đã khởi tố bổ sung thêm 3 bị can khác. Trong thời gian tới, để duy trì phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, một trong những nội dung được TAND Tối cao xác định là phải thực hiên hết quyền hạn, trong đó có kiến nghị khởi tố và khởi tố ngay tại tòa nếu có đủ chứng cứ.
Về vụ án Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chánh án làm rõ việc: “Có thông tin cho rằng tại phiên tòa bị cáo khai việc chạy vào Quốc hội, nhưng Tòa không cho khai, đề nghị Chánh án cần nói rõ cho người dân hiểu”.
Trả lời theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong quá trình tranh tụng tại tòa, khi báo chí nêu có việc Hội đồng xét xử không cho khai, có vẻ giấu diếm điều gì… TAND Tối cao đã ngay lập tức yêu cầu kiểm tra hồ sơ vụ án, kỹ thuật phòng xét xử và yêu cầu chủ toạ phiên tòa báo cáo, gặp luật sư để làm rõ.
“Phòng xét xử diễn ra bình thường, không xảy ra sự cố kỹ thuật. Trong hồ sơ vụ án có tất cả tài liệu lời khai của Châu Thị Thu Nga, quyết định tách án của cơ quan điều tra, biên bản đối chất của bị cáo Nga và các bên liên quan. Việc chủ tọa phiên tòa dừng việc không cho khai tiếp do vụ án này tách ra là được phép”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ.
Cũng theo Chánh án: “Nếu trong phiên tòa, mà có tình tiết mới xuất hiện, có quyết định tách án thì trách nhiệm của Hội đồng xét xử là thẩm vấn làm rõ tính tiết này. Nhưng do vụ án đang tách ra nên Hội đồng xét xử được phép không cần đề cập tới nữa. “Tương tự vụ án OceanBank, trong lần xét xử thứ nhất, nội dung liên quan khoản 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí đã làm rõ, nên lần xét xử thứ hai không đề cập tới nội dung này”, Chánh án dẫn chứng./.
Ý kiến ()