Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN - 45 năm hợp tác và phát triển
Những định hướng trong hợp tác văn hóa - xã hội trong ASEAN đã được củng cố và khẳng định với việc thành lập Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN theo Tuyên bố Xê-bu được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN 12 tổ chức ngày 13-1-2007.Mục tiêu cơ bản của ASCC là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung, một xã hội chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Nhằm thực hiện mục tiêu này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch Tổng thể ASCC tại HNCC ASEAN lần thứ 14, tổ chức ngày 1-3-2009 tại Thái-lan. Kể từ đó đến nay, ASEAN đã có nhiều nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Đây là kim chỉ...
Những định hướng trong hợp tác văn hóa – xã hội trong ASEAN đã được củng cố và khẳng định với việc thành lập Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC), một trong ba trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN theo Tuyên bố Xê-bu được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN 12 tổ chức ngày 13-1-2007.
Mục tiêu cơ bản của ASCC là góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, có trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng tình đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và dân tộc ASEAN bằng cách tiến tới một bản sắc chung, một xã hội chia sẻ, đùm bọc và rộng mở, nơi mà cuộc sống, mức sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Nhằm thực hiện mục tiêu này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã phê duyệt Kế hoạch Tổng thể ASCC tại HNCC ASEAN lần thứ 14, tổ chức ngày 1-3-2009 tại Thái-lan. Kể từ đó đến nay, ASEAN đã có nhiều nỗ lực hợp tác trong lĩnh vực văn hóa – xã hội. Đây là kim chỉ nam xuyên suốt tất cả các hoạt động chung của ASEAN trong 45 năm qua, nhất là trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, văn hóa và nguồn tài nguyên thiên nhiên hướng tới phát triển bền vững trong một Cộng đồng ASEAN hài hòa và hướng tới con người.
Trong thời gian qua, một số hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ASCC đã đạt được kết quả đáng chú ý như sau:
Về phát triển nguồn nhân lực: Các hoạt động trọng tâm của ASEAN hướng vào tăng cường tiến bộ và ưu tiên trong giáo dục, trao đổi sinh viên và học sinh và các chương trình học bổng dành cho ASEAN, các chương trình giao lưu và thúc đẩy phát triển các nhà lãnh đạo trẻ trong ASEAN…; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy việc làm bền vững nhằm tăng cường kỹ năng cho người lao động, tổ chức các cuộc thi tay nghề trong ASEAN; thúc đẩy việc làm bền vững và tăng cường kỹ năng kinh doanh cho nhóm yếu thế và nâng cao năng lực dịch vụ dân sự. Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực trong phục hồi kinh tế và phát triển được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua vào tháng 10-2010 tại Hà Nội trong dịp HNCC ASEAN lần thứ 17 đã khẳng định quyết tâm của ASEAN nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho người dân ASEAN, xây dựng một nguồn nhân lực ASEAN cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.
Về phúc lợi xã hội và an sinh xã hội: ASEAN đã xây dựng và thực hiện Lộ trình ASEAN nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ giữa các cơ quan liên quan. ASEAN cũng đang nỗ lực xây dựng và phát triển mạng lưới an sinh xã hội và bảo trợ xã hội, giúp người dân tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa và hội nhập; tăng cường an ninh lương thực với việc thông qua Khung an ninh lương thực hợp nhất ASEAN năm 2009, Kế hoạch tăng cường an ninh lương thực II năm 2011 và Khung Chiến lược ASEAN và phát triển y tế 2011-2015; tăng cường chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy cách sống khỏe mạnh với việc tăng cường giám sát và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, nhất là giảm lây nhiễm HIV; hướng tới một ASEAN không có ma túy trong đó Kế hoạch công tác của ASEAN chống lại việc sản xuất, buôn bán và sử dụng chất ma túy giai đoạn 2009-2015 đã được thông qua.
Môi trường và biến đổi khí hậu: Trong bối cảnh trên thế giới, ASEAN là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, ASEAN cũng nỗ lực xây dựng các hoạt động có khả năng thích ứng trước những thiên tai và xây dựng cộng đồng an toàn hơn. Hiệp định ASEAN về quản lý thiên tai và ứng phó trong trường hợp khẩn cấp (ADDMER) đã có hiệu lực vào tháng 12-2009, các nước đã xây dựng Chương trình Công tác của ADDMER giai đoạn 2010-2012 để thực hiện các nội dung trong ADDMER, bao gồm việc thành lập Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo về quản lý thiên tai ASEAN (Trung tâm AHA) tại HNCC ASEAN lần thứ 19 tại In-đô-nê-xi-a. Theo đó, mỗi năm các nước sẽ đóng góp ít nhất 30 nghìn USD để vận hành trung tâm này. ASEAN cũng đã khởi động Mạng dữ liệu trên mạng về thiên tai khu vực Đông – Nam Á vào năm 2007 và Bản đồ thiên tai Đông – Nam Á trên mạng.
Công bằng xã hội và các quyền khác: ASEAN cam kết thúc đẩy bình đẳng xã hội và lồng ghép quyền của người dân vào chính sách của mình và mọi mặt của đời sống, bao gồm quyền và phúc lợi của các nhóm bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương và thiếu sự quan tâm của xã hội như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và lao động di cư, v.v.
Về xây dựng bản sắc ASEAN: Xây dựng bản sắc ASEAN là một trong những lĩnh vực trọng tâm của ASEAN nhằm xây dựng ASCC với một ASEAN thống nhất trong đa dạng. Các nước thành viên đã nỗ lực thúc đẩy nhận thức và ý thức về Cộng đồng ASEAN thông qua việc xuất bản các ấn phẩm, phát hành các bản tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về ASEAN, thực hiện Chương trình ASEAN trong hành động và các chương trình tin tức truyền hình ASEAN, nâng cao nhận thức của ASEAN trong các trường học, tổ chức Chương trình câu đố về ASEAN; bảo tồn và thúc đẩy di sản văn hóa ASEAN với các chương trình biểu diễn, giao lưu văn hóa…; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để xây dựng bản sắc ASEAN và một ASEAN hướng vào người dân.
Thu hẹp khoảng cách phát triển: Các nước thành viên ASEAN cũng tăng cường hợp tác để giảm khoảng cách phát triển, nhất là về khía cạnh xã hội giữa nhóm sáu nước ASEAN ban đầu và các nước CLMV (Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam) và trong ASEAN tại những vùng bị tách biệt và kém phát triển. ASEAN và Ủy ban sông Mê Công ký Biên bản ghi nhớ năm 2010 nhằm hỗ trợ Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam xây dựng kế hoạch phát triển lưu vực sông Mê Công, thực hiện các chương trình và dự án nâng cao năng lực và hỗ trợ cho các nước kém phát triển hơn.
Có thể nói, hợp tác phát triển văn hóa và xã hội là những nội dung xuyên suốt của ASEAN kể từ khi thành lập đến nay. Khi ASCC được chính thức ra đời cùng Cộng đồng Chính trị – An ninh và Cộng đồng Kinh tế, hợp tác về văn hóa và xã hội đã được nâng lên một tầm cao mới với việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch Tổng thể của ASCC với sáu lĩnh vực và 339 đầu mục cụ thể nhằm hiện thực hóa một cộng đồng thịnh vượng về kinh tế, đa dạng về văn hóa, ổn định về xã hội. Trong quá trình đó, ASEAN cũng đã phối hợp chặt chẽ và xúc tiến hợp tác với các nước đối thoại, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc nhằm tận dụng sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính cho tiến trình xây dựng cộng đồng, nâng cao năng lực của ASEAN nói chung và các nước thành viên ASEAN nói riêng.
Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia các hoạt động hợp tác chung, đề ra các sáng kiến hướng tới nỗ lực chung của ASEAN. Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã chứng tỏ vai trò Chủ tịch ASCC với những sáng kiến và nỗ lực điều phối và thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng và đã được các nước ASEAN đánh giá cao. Đối với Việt Nam, để hoạt động của Cộng đồng ngày càng có hiệu quả, với vai trò là trụ cột ASCC của Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cùng với các cơ quan trong Cộng đồng cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện các ưu tiên của ASCC, góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()