LSO- Theo thống kê của ngành lao động- TBXH, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có trên 180 ngàn trẻ em, trong đó có trên 100 ngàn trẻ em sống trong các gia đình nghèo và trên 1.700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Mầm non tương lai của đất nước Ảnh: La NamThực hiện chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001-2010, Lạng Sơn đã giành được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật nhất là mục tiêu sức khỏe dinh dưỡng và mục tiêu giáo dục. Đối với ngành y tế, việc nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm đủ 7 loại vacin, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản...là hoạt động liên quan đến hàng loạt chương trình, trong đó có những chương trình thuộc mục tiêu quốc gia. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền và củng cố đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản; củng cố mạng lưới y tế xã, nên tỷ lệ trẻ được tiêm phòng ngày càng nâng cao. Đến...
LSO- Theo thống kê của ngành lao động- TBXH, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có trên 180 ngàn trẻ em, trong đó có trên 100 ngàn trẻ em sống trong các gia đình nghèo và trên 1.700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Mầm non tương lai của đất nước Ảnh: La Nam
Thực hiện chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2001-2010, Lạng Sơn đã giành được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật nhất là mục tiêu sức khỏe dinh dưỡng và mục tiêu giáo dục. Đối với ngành y tế, việc nâng cao tỷ lệ trẻ được tiêm đủ 7 loại vacin, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản…là hoạt động liên quan đến hàng loạt chương trình, trong đó có những chương trình thuộc mục tiêu quốc gia. Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền và củng cố đội ngũ cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản; củng cố mạng lưới y tế xã, nên tỷ lệ trẻ được tiêm phòng ngày càng nâng cao. Đến hết năm 2001 đã có trên 98% số trẻ trong độ tuổi được tiêm đủ 7 loại vacin. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 7,9%o năm 2000 xuống còn dưới 4%o năm 2011. Việc cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em đã đi vào nền nếp và mang lại kết quả cụ thể trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trẻ em. Công tác phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em vừa là kết quả trực tiếp của các chương trình y tế, vừa là kết quả tổng hợp của chương trình giảm nghèo trên các địa bàn. Trong hơn 10 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm trung bình 2%/ năm, thì tỷ lệ SDD của trẻ ở thể cân nặng và chiều cao cũng giảm tương ứng. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ trẻ SDD ở thể cân nặng còn 21,4% và ở thể chiều cao là 30,1%, so với năm 2000 đã giảm 18% ở thể cân nặng và 16% ở thể chiều cao. Theo điều tra phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2011, toàn tỉnh đã có trên 50% số xã, phường, thị trấn đạt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao.
Học sinh Trường tiểu học Vĩnh Trại TPLS trong thư viện Ảnh: T.K
Với mạng lưới trường lớp học phủ khắp trên phạm vi hành chính, quyền được học tập của trẻ em luôn được đảm bảo và ngày càng được nâng cao về chất lượng. Phát huy thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ năm 1998, tỉnh ta đã phấn đấu hoàn thành phổ cập THCS năm 2006, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2008. Thực hiện Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2011-2015, đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã có 166 trường mầm non, có 165 trường thực hiện bán trú, 2 buổi/ ngày và đã có 27 đơn vị đạt chuẩn phổ cập. Bằng các phong trào, nhất là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã thu hút trẻ em đến trường, tạo các điều kiện tốt nhất để các em học tập rèn luyện và vui chơi. Vì vậy tỷ lệ học sinh bỏ học giảm nhanh qua từng năm và hiện chỉ còn ở mức 0,05% đối với cấp tiểu học và 1,03% đối với cấp THCS.
Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vừa là trách nhiệm vừa là lương tâm của mỗi cán bộ giáo viên, nhân viên, của mỗi nhà trường. Trách nhiệm và tình thương được thể hiện rất rõ bằng sự đóng góp công sức và tiền của cho công tác giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật, trẻ em nghèo vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Riêng trong năm học 2010-2011, ngành đã huy động trên 80% trẻ khuyết tật vào học các lớp hòa nhập, toàn ngành đã thực hiện trên 255 ngàn tiết phụ đạo học sinh yếu kém, trị giá trên 6 tỷ đồng. Qua thực hiện phong trào “3 đủ”, toàn ngành đã quyên góp tiền, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho các cháu ổn định cuộc sống và có đủ điều kiện cần thiết tới trường với gần 800 triệu đồng, trên 1600 áo ấm, gần 2 tấn gạo và hàng ngàn đồ dùng học tập. Trong các dịp hè, các nhà trường đã chủ động phối hợp với đoàn thành niên các cấp tổ chức cho các cháu đi tham quan, tắm biển.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em là công việc thường xuyên của toàn xã hội, vì vậy chỉ với ngành y tế và giáo dục vẫn chưa đủ, mà sự cần thiết phải có sự cộng đồng trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức và mỗi công dân. Trong quy hoạch của mỗi địa phương, cần thiết phải dành quỹ đất để tạo sân chơi cho trẻ em, tiến tới mỗi xã, phường, mỗi khu dân cư đều có sân chơi cho các cháu. Tăng cường tuyên truyền, tạo dự luận mạnh mẽ để trẻ em nhiễm HIV được quyền tới trường và được học tập như các trẻ em khác.
Trần Kim
Ý kiến ()