Cộng đồng quốc tế tiếp tục tìm giải pháp cho tình hình Syria
Bạo lực tại Syria có dấu hiệu leo thang khi rạng sáng ngày 15/2, các lực lượng chính phủ Syria đã dùng xe bọc sắt và súng phòng không thực hiện một cuộc tấn công vào thành phố Hama và nã đạn vào các ổ kháng cự của lực lựơng chống đối. Trong bối cảnh trên, cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị vốn đã kéo dài suốt 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 15/2 tuyên bố phản đối các hành vi can thiệp quân sự của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép ngoại giao buộc chính phủ nước này phải đàm phán với phe đối lập. Phát biểu tại trung tâm báo chí quốc gia ở Canberra, Australia ngày 15/2, Tổng Thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanolu nhấn mạnh mọi hành động can thiệp quân sự sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ chứ không giải quyết được xung đột tại Syria. Viện dẫn các cuộc xung đột tại Iraq, Libya,...
Bạo lực tại Syria có dấu hiệu leo thang khi rạng sáng ngày 15/2, các lực lượng chính phủ Syria đã dùng xe bọc sắt và súng phòng không thực hiện một cuộc tấn công vào thành phố Hama và nã đạn vào các ổ kháng cự của lực lựơng chống đối.
Trong bối cảnh trên, cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ nhiều quan điểm khác nhau về giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị vốn đã kéo dài suốt 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngày 15/2 tuyên bố phản đối các hành vi can thiệp quân sự của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép ngoại giao buộc chính phủ nước này phải đàm phán với phe đối lập. Phát biểu tại trung tâm báo chí quốc gia ở Canberra, Australia ngày 15/2, Tổng Thư ký OIC Ekmeleddin Ihsanolu nhấn mạnh mọi hành động can thiệp quân sự sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ chứ không giải quyết được xung đột tại Syria. Viện dẫn các cuộc xung đột tại Iraq, Libya, Afghanistan và Somalia, ông Ihsanolu cho rằng hành động can thiệp quân sự từ phía bên ngoài sẽ chỉ gây tổn hại chứ không mang lại điều gì tốt đẹp cho người dân Syria.
Tuyên bố trên được ông Ihsanolu đưa ra trong bối cảnh các cường quốc trên thế giới, cùng OIC và Liên đoàn Ả rập (AL), sẽ nhóm họp tại Tunisia vào ngày 24/2 tới nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Syria. Tổng Thư ký OIC bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ gia tăng sức ép với Damascus về việc tiến hành đàm phán với phe đối lập, đồng thời soạn thảo kế hoạch về tiến trình chuyển giao quyền lực trong tương lai.
Trong khi đó, ngày 15/2, đại diện chính phủ Pháp tuyên bố, nước này đã thành lập một quỹ hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Syria và sẽ đề xuất hình thành một quỹ tương tự tại cuộc họp về tình hình Syria diễn ra ở Tunisia vào tuần tới. Trước đó, Pháp đã từng đưa ra ý tưởng hình thành “các hành lang nhân đạo” với sự chấp thuận từ phía Syria hoặc sự ủy quyền từ phía Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để vận chuyển lương thực và thuốc men đến những trường hợp cần thiết.
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Ả rập tại Cairo cho biết: “Chúng tôi (các nước Ả rập) sẽ ủng hộ phe đối lập tại Syria về mặt tài chính và ngoại giao. Tuy nhiên, nếu như chính quyền Damascus vẫn không đưa ra các giải pháp chấm dứt bạo lực thì người dân Syria phải được giúp đỡ để tự bảo vệ mình”.
Tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ vai trò của AL trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, đồng thời hy vọng sớm được “chứng kiến một cuộc đối thoại toàn diện” nhằm chấm dứt bạo lực tại quốc gia Trung Đông này. Ông Thôi Thiên Khải còn kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần “hành động một cách thận trọng và có trách nhiệm” trước tình hình Syria cùng với việc đưa ra lời cảnh báo rằng “các quyết định sai lầm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có nguy cơ sẽ dẫn tới một cuộc tắm máu nghiêm trọng hơn tại Syria”.
Trong khi đó, hãng tin AP ngày 15/2 dẫn lời một quan chức ngoại giao Mỹ (đề nghị giấu tên) cho biết, Washington và các nước đồng minh đang giám sát chặt chẽ các kho vũ khí hóa học và tên lửa phòng không của Syria với lo ngại rằng, các vũ khí không thông thường của Syria có nguy cơ lọt vào tay của những phần tử khủng bố hay các nhóm vũ trang trong bối cảnh cuộc xung đột chính trị vốn đã kéo dài 11 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này vẫn tiếp tục có dấu hiệu leo thang.
Quan chức ngoại giao trên nhấn mạnh: “Hiện phổ biến vũ khí đang là một vấn đề ngày càng nổi cộm tại Syria và gây nhiều quan ngại đối với cộng đồng quốc tế. Chính bởi vậy, chúng tôi sẽ giám sát các hoạt động liên quan tới vũ khí hóa học tại Syria một cách vô cùng chặt chẽ…Chúng tôi tin rằng, các kho vũ khí hóa học của Syria hiện vẫn trong tầm kiểm soát của chính quyền Damascus, và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước đồng quan điểm nhằm ngăn chặn nguy cơ phổ biến vũ khí hóa học tại Syria”.
Theo nguồn tin trên, hiện Mỹ đang thảo luận với các nước đồng minh về cách thức giúp đảm bảo các kho tên lửa phòng không di động của Syria (hay còn gọi là hệ thống phòng không vác vai – MANPADS) không bị đánh cắp hay sử dụng sai mục đích.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()