Cộng đồng quốc tế kêu gọi hai miền Sudan đàm phán hòa bình
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 19/4 đã đề nghị hai miền Sudan từ bỏ cuộc chiến và quay về bàn đàm phán. Đây cũng là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang ở khu vực này.Phát biểu trước báo giới tại New York ngày 19/4, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã kêu gọi Nam Sudan ngay lập tức rút các lực lượng khỏi khu vực giàu dầu mỏ Heglig. Ông cho rằng, cuộc chiến của họ là hành động vi phạm chủ quyền của Sudan và vi phạm luật pháp. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Sudan ngay lập tức dừng việc bắn phá và ném bom Nam Sudan, đồng thời rút quân khỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp, trong đó có Abyei.Cùng ngày 19/4, Mỹ cũng đã kêu gọi hai bên ngừng sự đối đầu. “Chúng tôi lên án sự tham gia của quân đội Nam Sudan trong việc tấn công và chiếm giữ Heglig, một hành động làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền Sudan ở mức nguy hiểm. Chúng tôi cũng lên án các cuộc oanh tạc trên không ở Nam...
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 19/4 đã đề nghị hai miền Sudan từ bỏ cuộc chiến và quay về bàn đàm phán. Đây cũng là mong muốn chung của cộng đồng quốc tế trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang ở khu vực này.
Phát biểu trước báo giới tại New York ngày 19/4, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã kêu gọi Nam Sudan ngay lập tức rút các lực lượng khỏi khu vực giàu dầu mỏ Heglig. Ông cho rằng, cuộc chiến của họ là hành động vi phạm chủ quyền của Sudan và vi phạm luật pháp. Ông cũng kêu gọi Chính phủ Sudan ngay lập tức dừng việc bắn phá và ném bom Nam Sudan, đồng thời rút quân khỏi các vùng lãnh thổ tranh chấp, trong đó có Abyei.
Cùng ngày 19/4, Mỹ cũng đã kêu gọi hai bên ngừng sự đối đầu. “Chúng tôi lên án sự tham gia của quân đội Nam Sudan trong việc tấn công và chiếm giữ Heglig, một hành động làm gia tăng căng thẳng giữa hai miền Sudan ở mức nguy hiểm. Chúng tôi cũng lên án các cuộc oanh tạc trên không ở Nam Sudan do lực lượng quân đội Sudan thực hiện” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Sudan và Nam Sudan Princeton Lyman cũng cho rằng, Sudan và Nam Sudan đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng vô cùng nghiêm trọng. Và, điều mà nhân dân hai miền Sudan cũng như cộng đồng quốc tế mong muốn là tránh một cuộc chiến tranh tổng lực giữa hai miền.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân (Liu Weimin) kêu gọi hai miền Sudan tôn trọng độc lập chủ quyền lãnh thổ của nhau, tin tưởng và hợp tác tích cực với các nỗ lực trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế để có thể sớm khôi phục đàm phán và đối thoại về chấm dứt xung đột giữa hai bên.
Trước tình hình ở Sudan, Liên đoàn Arập (AL) cho biết sẽ triệu tập phiên họp khẩn cấp các Bộ trưởng ngoại giao vào tuần tới để thảo luận về cuộc đối đầu quân sự đang leo thang nghiêm trọng tại khu vực biên giới chung giữa Sudan và Nam Sudan.
Phó Tổng Thư ký AL Ahmed bin Helli cho biết, Bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên sẽ nhóm họp tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào tuần tới để tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột, đồng thời ngăn chặn nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai miền Sudan. Trong khi đó, Tổng thống Sudan ngày 19/4 cho biết sẽ “không bao giờ từ bỏ” khu vực giàu dầu mỏ hiện đang tranh chấp với Nam Sudan.
Trong tuần qua, các cuộc đụng độ giữa hai miền tăng mạnh sau khi Nam Sudan tuyên bố khu vực đang tranh chấp Heglig là dưới quyền kiểm soát của họ. Sudan cũng tuyên bố quyền sở hữu của mình đối với khu vực này và gửi khiếu nại tới Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi, đề nghị gây áp lực tới Nam Sudan để họ rút quân khỏi lãnh thổ của mình.
Xung đột bùng phát dữ dội tại khu vực biên giới chung giữa hai miền Sudan từ nhiều tuần qua và đang có dấu hiệu leo thang thành một cuộc chiến tranh tổng lực sau khi quân đội Nam Sudan đánh chiếm khu vực Heglig và các mỏ dầu lớn khác của Sudan từ ngày 10/4 để trả đũa việc Sudan trước đó đã nã pháo vào các vùng đất của Nam Sudan và đánh chiếm thị trấn vùng biên Abyei.
Theo các nguồn tin mới nhất, trong 24 giờ qua, giữa hai bên đã xảy ra ít nhất 4 cuộc xung đột tại biên giới nhưng chưa biết con số thương vong. Đây là đợt giao tranh khốc liệt nhất giữa hai nước kể từ khi Nam Sudan tách ra và tuyên bố độc lập hồi tháng 7/2011 sau hơn 2 thập kỷ nội chiến (đến năm 2005) làm gần 2 triệu người thiệt mạng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()