Cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam chống hạn, mặn
Ngày 15-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo với các đối tác phát triển, nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) sẽ cùng kết hợp các đối tác đánh giá nhu cầu của từng địa phương để hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật chống hạn, mặn. Trong đó, ưu tiên các dự án cấp bách, quan trọng cả về thứ tự và thủ tục triển khai. Ngoài ra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam cần nâng cao khả năng thích ứng và đối phó thiên tai của người dân; đồng thời, có đánh giá liên ngành toàn diện và nhanh chóng về quy mô, mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn, mặn để mở rộng phạm vi và quy mô ứng phó.
PV
Giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ TPP
Ngày 15-3, tại Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) phối hợp với Vụ Chính sách đa biên (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo “Hiệp định TPP – Những điều doanh nghiệp cần biết”. Hội thảo được tổ chức với mục đích giúp các doanh nghiệp nắm rõ các cơ hội và thách thức khi gia nhập TPP; đồng thời, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của hiệp định này để có thể tận dụng TPP có hiệu quả. Tại hội thảo, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận các nội dung quan trọng, như: Tổng quan về đàm phán TPP; những cam kết chính về Doanh nghiệp nhà nước (SOE); những lợi ích và thách thức khi Việt Nam tham gia TPP; những lưu ý quan trọng với doanh nghiệp khi thực thi TPP và đặc biệt là kiến nghị những cách thức để doanh nghiệp đạt được thành công trong quá trình hội nhập…
PV
Giá thép tăng mạnh
Ngay sau khi Bộ Công thương ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu, vài ngày gần đây, giá thép bán tại các nhà máy tăng mạnh. Hiện tại, giá thép tăng khoảng 200 nghìn đồng/tấn, lên khoảng 8,9 triệu đến 9 triệu đồng/tấn. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều xe tải xếp hàng dài bên ngoài nhà máy các doanh nghiệp thép, như: Pomina, Vinakyoei và Hoa Sen chờ mua thép, thậm chí, nhiều xe phải chờ một đến hai ngày mới mua được sản phẩm. Tuy nhiên, so với mức giá đỉnh điểm 14,4 triệu đồng/tấn vào tháng 4-2013, trong ba năm qua, giá thép liên tục giảm gần 40%, xuống còn 8,7 triệu đến 8,8 triệu đồng/tấn trong tháng 2 vừa qua. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo, giá thép có khả năng tiếp tục tăng do đến ngày 22-3, việc áp thuế tự vệ tạm thời mới có hiệu lực. VSA khuyến nghị các doanh nghiệp thép cần có kế hoạch sản xuất kinh doanh và giá bán hợp lý, giữ ổn định thị phần, thị trường.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()