Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn
Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.
Báo cáo do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố gần đây ước tính, số người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột, bạo lực và ngược đãi lên đến 117,3 triệu người vào cuối năm 2023, tăng 8% so với mức cùng kỳ năm 2022. Con số này phản ánh sự bế tắc trong nỗ lực giải quyết các cuộc khủng hoảng tồn tại lâu nay, cũng như hậu quả của các cuộc xung đột mới xảy ra.
Theo UNHCR, bom đạn ác liệt tại Syria vẫn là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng di dời lớn nhất, tác động tới 13,8 triệu người. Xung đột ở Sudan khiến 10,8 triệu người phải rời bỏ quê hương. Cũng do xung đột, hàng triệu người phải di tản ở Cộng hòa Dân chủ Congo. Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng cho biết, khoảng 75% số người dân ở Dải Gaza phải di dời từ khi xung đột nổ ra đến cuối năm 2023.
UNHCR nhận định, đằng sau những con số nêu trên là vô số bi kịch. Những thông tin về người tị nạn thiệt mạng trên hành trình tìm nơi ở mới thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.
Ngoài những số liệu đáng lo ngại, báo cáo của UNHCR cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực. Theo đó, năm 2023, hơn 6 triệu người phải di dời đã được trở về nhà, trong khi gần 160 nghìn người được tái định cư. Người đứng đầu UNHCR, ông Filippo Grandi nhấn mạnh điều này là “một tia hy vọng” trong nỗ lực giải quyết vấn đề người tị nạn.
Về các kế hoạch đang được thúc đẩy, ông Grandi cho biết, Kenya sẽ biến các trại tị nạn cũ thành những khu định cư, nơi người tị nạn có thể tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu. UNHCR sẽ hỗ trợ Chính phủ Colombia nhằm đem lại việc làm cho gần 2,3 triệu người tị nạn Venezuela. Được trao nơi ở, chăm sóc sức khỏe, học tập, làm việc..., người tị nạn không chỉ có cơ hội để bắt đầu một cuộc sống mới, mà còn có thể đóng góp vào sự phát triển của quốc gia dang tay đón nhận họ.
Theo UNHCR, số người bị buộc phải di dời trên thế giới tăng liên tục trong 12 năm qua và ước tính lên đến 120 triệu người vào tháng 5 vừa qua.
Gửi đi thông điệp nhân Ngày Tị nạn thế giới (20/6), ông Grandi nhấn mạnh, thật sai lầm và vô trách nhiệm khi cho rằng hầu hết người tị nạn chỉ tìm cách đến các nước phát triển, như Mỹ và các quốc gia châu Âu. Thực tế chỉ ra rằng, ba phần tư số người tị nạn trên thế giới đến các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Chỉ cần nhìn vào tình cảnh Sudan có thể thấy, người tị nạn Sudan được các nước láng giềng là Nam Sudan, Chad, Ethiopia và Ai Cập cung cấp nơi trú ẩn. Hành động này thể hiện tình đoàn kết ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tuy nhiên, các quốc gia đón nhận khó có thể chịu được gánh nặng khi số lượng người tị nạn ngày một tăng.
Lâu nay, Ai Cập là quốc gia tiếp nhận người tị nạn từ nhiều nước Trung Đông-châu Phi. Nhân Ngày Tị nạn thế giới, Bộ Ngoại giao Ai Cập kêu gọi huy động các nguồn lực cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu của người tị nạn, đồng thời góp phần giảm bớt áp lực đối với các nước tiếp nhận. Những ngày qua, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng khẳng định cam kết chung tay hiện thực hóa chủ đề của ngày này năm nay là “Vì một thế giới nơi người tị nạn được chào đón”. Có thể thấy, trong bối cảnh số người tị nạn trên thế giới đạt mức kỷ lục, chia sẻ trách nhiệm vẫn được xem là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.
Theo UNHCR, số người bị buộc phải di dời trên thế giới tăng liên tục trong 12 năm qua và ước tính lên đến 120 triệu người vào tháng 5 vừa qua. Bày tỏ lo ngại trước thực trạng đáng báo động này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong thông điệp nhân Ngày Tị nạn thế giới kêu gọi tăng cường các nỗ lực nhằm bảo vệ người tị nạn trên mỗi bước hành trình di cư của họ. Ông Guterres cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế thể hiện trách nhiệm trong việc hỗ trợ và tiếp nhận người tị nạn, cũng như giải quyết các cuộc xung đột, vốn là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này.
Ý kiến ()