Cộng đồng quốc tế cần tăng hỗ trợ tài chính, giúp các nước nghèo giảm bớt gánh nặng nợ nần
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo cho biết, các nước đang phát triển đã chi gần 450 tỷ USD để trả nợ nước ngoài trong năm 2022. Việc này làm cạn kiệt nguồn tài chính cho các nhu cầu quan trọng về y tế, giáo dục và ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời khiến những nước nghèo nhất cận kề nguy cơ khủng hoảng nợ. Báo cáo đặt ra yêu cầu cộng đồng quốc tế tăng hỗ trợ tài chính, giúp các nước nghèo giảm bớt gánh nặng nợ nần.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Trong Báo cáo về nợ toàn cầu mới nhất, WB nêu rõ, trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng mạnh nhất trong vòng 40 năm qua, các khoản thanh toán nợ trong năm 2022, cả gốc và lãi, đã tăng 5% so với mức năm 2021, lên kỷ lục 443,5 tỷ USD. WB dự tính, các khoản thanh toán này có thể tăng 10% trong giai đoạn 2023-2024. Điều đáng lo ngại, 75 quốc gia nghèo nhất lại chịu tác động nặng nề nhất, với các khoản thanh toán nợ nước ngoài lên tới 88,9 tỷ USD vào năm 2022 và có thể còn tăng 40% trong giai đoạn 2023-2024. Tính riêng khoản thanh toán lãi đã tăng 4 lần kể từ năm 2012, lên 23,6 tỷ USD.
Theo một báo cáo của tổ chức phi chính phủ Oxfam, một số nước nghèo nhất trên thế giới có nguy cơ phải cắt giảm ngân sách khoảng 220 tỷ USD trong 5 năm tới, do khủng hoảng nợ. Các nước có thu nhập thấp và thu nhập dưới trung bình đối mặt với việc phải trả nợ gần 500 triệu USD cả gốc và lãi mỗi ngày, từ nay đến năm 2029. Số tiền phải trả nợ của các quốc gia nghèo nhất thậm chí cao gấp bốn lần số tiền chi cho chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, các quốc gia được hoãn thanh toán nợ gốc và lãi theo Sáng kiến đình chỉ thanh toán nợ (DSSI), vốn được áp dụng trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hiện đối mặt với chi phí bổ sung, khi các khoản thanh toán này đến hạn. Vốn tư nhân phần lớn đã rút khỏi các nước đang phát triển, do lãi suất tăng cao ở các nền kinh tế phát triển. Các chủ nợ tư nhân đã thu hồi nợ gốc nhiều hơn số tiền giải ngân cho các khoản vay mới, đánh dấu lần đầu xảy ra tình trạng này kể từ năm 2015.
Con số nợ kỷ lục đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực khủng hoảng, đồng thời lãi suất duy trì ở mức cao khiến thêm nhiều nước đang phát triển lâm vào tình trạng khó khăn do nợ. Trong 3 năm qua đã có 18 vụ vỡ nợ của chính phủ ở 10 quốc gia, nhiều hơn tổng số các vụ tương tự trong vòng 20 năm trước đó. Cứ 4 quốc gia đang phát triển thì có 1 quốc gia hiện không đủ năng lực tham gia thị trường vốn quốc tế.
Tỷ trọng nguồn thu từ xuất khẩu dành cho việc thanh toán nợ hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay, đáng lo ngại khi chỉ một cú sốc cũng có thể đẩy một số quốc gia vào khủng hoảng. Thực tế, khoảng 60% các quốc gia thu nhập thấp đã hoặc đang có nguy cơ chịu áp lực lớn vì nợ nần. Đặc biệt, các nước châu Phi đang đứng trước nguy cơ về “một thập niên mất phương hướng” nữa, khi châu lục này không còn tăng trưởng về thu nhập bình quân đầu người kể từ năm 2014.
Việc các nước chậm phát triển chìm trong nợ khiến các nước này khó có khả năng đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2030. Trước tình hình nguy cấp hiện nay, Nhà kinh tế trưởng của WB, ông Indermit Gill cho rằng, các nước mắc nợ và các chủ nợ, cả Nhà nước và tư nhân, cũng như các tổ chức tài chính đa phương cần phối hợp hành động nhanh chóng để tăng tính minh bạch, phát triển các công cụ cho vay bền vững hơn và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ.
Ngày càng có nhiều lời kêu gọi cải cách cơ cấu tài chính quốc tế, cũng như cách thức các tổ chức như WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp hỗ trợ. Oxfam kêu gọi IMF và WB tạo một hệ thống công bằng hơn, như đánh thuế công bằng với người giàu, thay vì chỉ tập trung vào các biện pháp tái cơ cấu nợ và cắt giảm chi tiêu. Các chủ nợ quốc tế, các nước phát triển cần san sẻ gánh nặng nợ nần, thông qua việc xóa nợ và tăng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()