Cộng đồng người Việt tại LB Nga giữa đại dịch Covid-19
Chợ Sadovod, nơi có nhiều người Việt kinh doanh buôn bán.
Trước diễn biến dịch tại nhiều quốc gia châu Âu đang trở nên nghiêm trọng, Chính phủ Nga đã tiến hành nhiều biện pháp quyết liệt để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19, như: đóng cửa biên giới, buộc cách ly tự nguyện đối với người từ nước ngoài trở về, cho học sinh và sinh viên nghỉ học và học từ xa, cấm các sự kiện có tập trung đông người… Cho tới nay, những biện pháp này đã tỏ ra có hiệu quả khi tính đến hết ngày 21-3, Nga đã phát hiện được 306 trường hợp nhiễm virus Sars-CoV-2 trên khắp cả nước. Trong đó, chủ yếu là người từ nước ngoài trở về Nga trong vòng hai tuần trước, số lây nhiễm ở trong nước là rất ít.
Mặc dù vậy, đối với cộng đồng người Việt tại LB Nga, do đặc thù có nhiều người làm công việc buôn bán nhỏ tại các chợ, đã ít nhiều chịu tác động bởi những biện pháp phòng dịch của chính quyền. Tại khu chợ Sadovod, là nơi có đông đảo bà con người Việt Nam buôn bán, có thể dễ dàng nhận thấy tác động của dịch Covid-19 tới việc kinh doanh của cộng đồng.
Trò chuyện với chúng tôi, các chủ hàng người Việt cho biết, thời gian vừa qua, cả lượng khách tới chợ lẫn lượng hàng bán ra đều giảm rõ rệt. Anh Trần Tiên Thi, một chủ hàng quê Nam Định cho biết: “Việc kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Khách ở các thành phố xa lên mua hàng giảm hẳn, lượng hàng bán ra cũng bị sụt nhiều”. Còn tại trung tâm thương mại nằm trong khu Tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow, nơi bà con chủ yếu buôn bán các mặt hàng lương thực, nhu yếu phẩm và hoa quả Việt Nam, mối lo chủ yếu lại ở nguồn hàng cung cấp. Trong những ngày qua, trước những tin đồn về việc chính quyền tăng cường các biện pháp chống dịch, lượng khách mua hàng ở đây kể cả người Việt lẫn người Nga đều gia tăng. Tuy nhiên, do Nga đóng cửa biên giới, đình chỉ các tuyến bay nên nguồn cung nhiều mặt hàng đang trở nên thiếu thốn. Bên cạnh đó, cuộc chiến giá dầu cùng đại dịch Covid-19 cũng đang khiến đồng rúp Nga mất giá trước đồng đô-la Mỹ, nhiều mặt hàng cũng đã phải tăng giá theo.
Một khó khăn nữa của bà con người Việt tại các khu chợ là nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao do thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người. Mặc dù vậy, hầu hết những người Việt chúng tôi tiếp xúc ở các khu chợ đều không tỏ ra quá lo lắng trước đại dịch. Bà con cho biết, ngoài việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của chính quyền, những biện pháp của ban quản lý các khu chợ cũng giúp họ yên tâm hơn.
Là nơi làm việc, sinh sống của đông đảo người Việt, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Khu tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow (Incentra) đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo kiểm soát và phòng, chống virus; đồng thời tiến hành tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch, vệ sinh cá nhân đến tất cả mọi người. Ban Quản lý cũng liên tục truyền tải các thông tin, khuyến cáo của cơ quan vệ sinh dịch tễ và bảo vệ sức khỏe của Nga cũng như các khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trên các bảng điện tử ở khắp nơi trong khu tổ hợp.
Chia sẻ về các biện pháp chống dịch của khu tổ hợp, ông Ghenady Tolozakov, Giám đốc hành chính Incentra cho biết: “Cứ hai tiếng một lần, chúng tôi lại tiến hành lau chùi tại các địa điểm sinh hoạt chung, các điểm thường xuyên có người tiếp xúc và dễ lây nhiễm. Ngoài ra, tại tất cả các cửa ra vào, chúng tôi tiến hành việc đo thân nhiệt bắt buộc đối với tất cả mọi người đồng thời có nước xịt khử trùng để mọi người có thể sử dụng rửa tay. Các biện pháp này cùng với biện pháp rất quan trọng là kiểm soát khách và người đến thăm là những bước ban đầu sẽ liên tục được áp dụng. Và tùy theo tình hình, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp tiếp theo giống như thành phố cũng như tình hình thực tế tại Tổ hợp. Hiện, tình hình của Tổ hợp vẫn ổn định; những biện pháp chúng tôi đã và đang áp dụng có hiệu quả và hy vọng, tình hình sẽ không trầm trọng hơn”.
Còn tại chợ Sadovod, Ban Quản lý chợ cũng nhanh chóng có các biện pháp tránh dịch Covid-19 lây lan. Ngoài việc xử lý khử trùng các thang cuốn, thang máy, cửa ra vào, Ban Quản lý còn tổ chức các nhóm nhân viên sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa để đo thân nhiệt các tiểu thương cũng như khách ở chợ. Ngoài ra, Ban Quản lý chợ cũng thực hiện giám sát chặt chẽ các chủ hàng vừa quay trở lại Nga làm việc. Tất cả những chủ hàng, kể cả người Trung Quốc, người Việt Nam lẫn các công dân các nước châu Âu, khi từ nước ngoài quay lại chợ đều được kiểm tra y tế, khám bệnh, tiến hành cách ly hai tuần trong một khu ký túc xá riêng do chợ bố trí.
Trò chuyện với chúng tôi, bà con người Việt đang buôn bán tại khu chợ tỏ ra hết sức đồng tình với các biện pháp phòng tránh dịch của Ban Quản lý. Ông Lê Hải Hùng, một chủ quầy hàng cho biết: “Ban Quản lý chợ Sadovod giám sát rất chặt chẽ nhưng người mới quay trở lại Nga. Cách đây hơn một tháng, khi tôi từ Việt Nam trở lại Nga, tôi cũng phải báo cáo với Ban Quản lý ngay và được đưa đi cách ly 14 ngày, kiểm tra y tế hai lần. Sau khi xác nhận không có vấn đề gì thì mới được quay trở lại chợ làm việc. Nhân viên bảo vệ của chợ cũng luôn nhắc nhở mọi người làm việc phải đeo khẩu trang, phải kiểm tra thân nhiệt xen có sốt không. Tôi thấy ở chợ này làm việc đó rất tốt”.
Về phần mình, bà con người Việt buôn bán tại chợ cũng rất nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về cách ly, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt… mà Ban quản lý đề ra. Đồng thời, tích cực tiếp nhận và thực hiện đầy đủ các thông tin, khuyến cáo của chính quyền về các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm tốt sức khỏe cho mình cũng như của cả cộng đồng.
Kiểm tra thân nhiệt khách ra vào tại Khu tổ hợp đa chức năng Hà Nội – Moscow.
Nhân viên đo thân nhiệt người kinh doanh tại chợ Sadovod.
Ý kiến ()