Cộng đồng học tập cấp xã góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở
– Thời gian qua, các cấp hội khuyến học (HKH) trên toàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện các nội dung xây dựng mô hình Cộng đồng học tập (CĐHT) cấp xã với nhiều giải pháp thiết thực. Nhờ đó, phát huy ý nghĩa, lợi ích của việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
CĐHT cấp xã là một cộng đồng dân cư nằm trên địa bàn xã, phường, thị trấn mà trong đó người dân có nhu cầu và chủ động học tập, ứng dụng vào thực tế. Việc học tập của người dân trong cộng đồng phải có tác dụng xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, đưa tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm…
Người dân xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng tìm hiểu các tiêu chí đánh giá, công nhận CĐHT cấp xã
Tại huyện Hữu Lũng, phong trào xây dựng CĐHT cấp xã luôn được các cấp HKH tích cực triển khai và phối hợp thực hiện. Bà Phạm Hồng Phượng, Chủ tịch HKH huyện cho biết: Nhờ tích cực triển khai nên hiện toàn huyện có 24/24 xã, thị trấn đăng ký và đều đạt danh hiệu CĐHT cấp xã. Trong đó, có 20 đơn vị được xếp loại tốt, 4 đơn vị xếp loại khá. Phong trào học tập và ý thức học tập suốt đời đã tác động tới mọi tầng lớp Nhân dân, việc học dần trở thành nhu cầu của người dân.
Không riêng tại huyện Hữu Lũng mà việc xây dựng CĐHT cấp xã đều được triển khai trên toàn tỉnh và đạt những kết quả đáng ghi nhận. Hiện toàn tỉnh có 198/200 xã, phường, thị trấn được công nhận CĐHT cấp xã (tăng 10 đơn vị so với năm 2020).
Bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch HKH tỉnh cho biết: Xây dựng xã hội học tập tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân học tập suốt đời là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Do đó, việc triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng”, đặc biệt, việc xây dựng CĐHT cấp xã là việc làm quan trọng và cần thiết. Với kết quả đạt được trong xây dựng CĐHT cấp xã và người dân tích cực tham gia các lớp học cộng đồng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần xây dựng XHHT ngay từ cơ sở, góp phần tác động tích cực đến chất lượng giáo dục, trình độ dân trí, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Để có được kết quả đó, những năm qua, các cấp HKH đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, thực hiện các nội dung xây dựng mô hình CĐHT cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/ 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về đánh giá, xếp loại cộng đồng học tập cấp xã. Các cấp HKH đã tích cực phối hợp với ngành GD&ĐT đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và người dân về xây dựng các mô hình học tập. Đồng thời, hằng năm phối hợp tổ chức tập huấn về nội dung triển khai bộ 15 tiêu chí đánh giá CĐHT cấp xã theo quy định và các quy trình thực hiện. Trung bình mỗi năm, cấp tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn mỗi lớp từ 80 – 90 người tham gia, mỗi huyện tổ chức 1 hoặc 2 lớp và đảm bảo đại diện toàn bộ các xã, phường, thị trấn, các đơn vị trường học đều được tham gia.
Bên cạnh đó, các cấp HKH còn tham mưu UBND cùng cấp thành lập ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, xác định công tác đánh giá, xếp loại CĐHT cấp xã là việc làm quan trọng nên hội chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo thực hiện đánh giá, xếp loại các danh hiệu học tập, gắn kết các tiêu chí của CĐHT cấp xã với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Điều đáng ghi nhận là việc đánh giá đã đi vào thực chất, đảm bảo công bằng, khách quan, đúng quy trình…
Có thể thấy, với sự nỗ lực của các cấp HKH, mô hình CĐHT cấp xã đã phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp Nhân dân và phát huy vai trò nòng cốt của HKH trong việc xây dựng XHHT ngày càng vững mạnh ngay từ cơ sở.
CĐHT cấp xã gồm có 15 tiêu chí đánh giá gồm Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã; hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng CĐHT cấp xã; sự tham gia, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức trên địa bàn cấp xã; mạng lưới và hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa trên địa bàn cấp xã; kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; công bằng xã hội trong giáo dục; kết quả học tập, bồi dưỡng thường xuyên của cán bộ, công chức cấp xã; kết quả học tập thường xuyên của người lao động (từ 15 tuổi trở lên); kết quả xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học/Cộng đồng học tập thôn, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương”; kết quả xây dựng thôn, ấp, bản, tổ dân phố và tương đương được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”; giảm tỷ lệ hộ nghèo; thực hiện bình đẳng giới; đảm bảo vệ sinh, môi trường; chăm sóc sức khỏe cộng đồng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. |
Ý kiến ()