Cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
– Chiến tranh đã lùi xa song những vết thương vẫn còn hiện hữu trong không ít gia đình bởi di chứng chất độc da cam với nỗi đau không gì bù đắp nổi. Cùng với cả nước, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh đã và đang chung tay nhằm chia sẻ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) có thêm nghị lực vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Trong dịp Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022, gia đình ông Âu Viết Muội, thôn Nà Lầm, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc được đón tết trong ngôi nhà mới kiên cố, không khí xuân ấm áp, đủ đầy. Ông Muội nhập ngũ năm 1967, thuộc Tiểu đoàn 20, Bộ Tư lệnh B3. Trong quá trình phục vụ quân đội, ông đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại mặt trận chiến trường Tây Nguyên và bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tặng quà nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố Lạng Sơn
Đến tháng 8/1972, ông phục viên trở về quê hương mang trong mình CĐHH và những vết thương do chiến tranh (thương binh hạng ¾). Kinh tế gia đình khó khăn, bệnh tật đeo bám, vì vậy, ngôi nhà trình tường cũ kỹ đã xuống cấp nhưng gia đình ông không có điều kiện nâng cấp, sửa chữa. Tháng 11/2021, gia đình ông Muội được Hội NNCĐDC huyện kết nối, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng ngôi nhà mới gồm: UBND huyện hỗ trợ 20 triệu đồng; Hội NNCĐDC huyện hỗ trợ 15 triệu đồng; Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Bộ hỗ trợ 5 triệu đồng cùng với vốn đối ứng của gia đình, các đoàn thể góp ngày công lao động trong 2 tháng xây dựng đã hoàn thành ngôi nhà có diện tích trên 50 m2.
Ông Âu Viết Muội chia sẻ: Tôi rất cảm ơn các tổ chức, chính quyền, Hội NNCĐDC các cấp đã quan tâm, hỗ trợ cho gia đình tôi xây ngôi nhà mới kiên cố. Từ nay, gia đình tôi không lo mưa bão, gió rét nữa mà yên tâm dạy bảo các con, cháu lao động sản xuất để từng bước ổn định cuộc sống.
Không chỉ riêng gia đình ông Muội, tính trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, các cấp hội NNCĐDC trong tỉnh đã kết nối, vận động nguồn lực hỗ trợ được 130 triệu đồng, giúp đỡ cho 4 gia đình NNCĐDC xây nhà tình nghĩa tại các huyện: Đình Lập, Lộc Bình, Văn Quan, Cao Lộc. Cùng với đó, công tác thăm hỏi, tặng quà NNCĐDC dịp lễ, tết cũng được các cấp hội trong tỉnh quan tâm, chú trọng. Đơn cử như, trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cấp hội NNCĐDC trong tỉnh đã tiếp nhận, vận động nguồn lực thăm, tặng trên 2.000 suất quà, đạt trị giá trên 600 triệu đồng.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng quà các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện Cao Lộc
Bên cạnh đó, hội cũng đã hỗ trợ đưa 26 NNCĐDC đi xông hơi, tẩy độc tại Hà Nội và tổ chức đưa 35 NNCĐDC đi thăm chiến trường xưa, thăm quan các mô hình tiên tiến tại các tỉnh, thành phố ở miền Nam… Thông qua các hoạt động đã góp phần động viên, chia sẻ, giúp đỡ các NNCĐDC với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 750 NNCĐDC, trong đó hơn 350 người là nạn nhân trực tiếp và số còn lại là con, cháu bị ảnh hưởng gián tiếp. Hầu hết các NNCĐDC đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thường xuyên phải chịu đau đớn về bệnh tật. Để kịp thời động viên, chia sẻ khó khăn, những năm qua, tỉnh đã quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho các NNCĐDC. Tùy thuộc vào mức độ suy giảm khả năng lao động, NNCĐDC sẽ được hưởng các mức trợ cấp khác nhau. Tuy nhiên, để các NNCĐDC không bị mặc cảm, tự ti và có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng thì rất cần cộng đồng tiếp tục chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Đã gần 60 năm trôi qua nhưng nỗi đau, di chứng CĐHH trên thân thể các nạn nhân và con cháu của họ khó có thể diễn tả hết bằng lời. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung tay của cả xã hội sẽ tiếp thêm niềm tin, sức mạnh giúp họ vượt qua những di chứng của chiến tranh để lại, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc và đó cũng là cách thể hiện sự tri ân những người đã hi sinh xương máu, tuổi thanh xuân vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()