Cộng đồng chung tay - kết thúc ngay dịch AIDS
(LSO) – Sau 30 năm đại dịch AIDS xuất hiện tại Việt Nam và gần 27 năm Lạng Sơn có ca nhiễm đầu tiên, đến nay, chương trình phòng chống HIV/AIDS của cả nước cũng như của tỉnh đã đạt được một số thành quả nhất định. Kết quả đó có được là nhờ nỗ lực từ công tác tuyên truyền, truyền thông; triển khai tư vấn, xét nghiệm và sàng lọc; điều trị bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút (ARV), góp phần nâng sức khoẻ cho người bệnh, giúp họ giảm kỳ thị và hoà nhập cộng đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông
Chị Hà Thị T. (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) được phát hiện nhiễm HIV từ năm 2005, do lây nhiễm từ chồng. Chị T chia sẻ: Khi phát hiện mình nhiễm bệnh, tôi suy sụp lắm, vì ngày ấy cứ nghĩ đây là căn bệnh thế kỷ, mắc phải là chết. Lo nhất là hai vợ chồng chết thì con nhỏ sống với ai. Lúc đó nghe về bệnh HIV này mọi người sợ, xa lánh, kỳ thị lắm nên tôi tự ti, ngại giao tiếp với mọi người, vì thế, sức khoẻ xuống rất nhanh. Nhờ được các cán bộ tuyên truyền và các bác sĩ ở phòng khám ngoại trú Cao Lộc (Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc) tư vấn tận tình, cuối năm 2005, tôi đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút HIV/AIDS, vì vậy, sức khỏe tôi dần hồi phục và trở lại với cuộc sống lao động, sinh hoạt bình thường.
Thanh niên lực lượng vũ trang và học sinh trên địa bàn thành phố Lạng Sơn tham gia mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018
Chị T chỉ là một trong 3.052 người nhiễm HIV/AIDS đã được phát hiện trên địa bàn tỉnh tính từ tháng 12/1993 đến tháng 11/2020. Trong số này có 2.850 bệnh nhân AIDS. Đến nay, toàn tỉnh có 139/200 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV, chiếm 69,5% tổng số xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong số các bệnh nhân đã có 2.124 người tử vong do AIDS, 928 người nhiễm HIV/AIDS hiện còn sống.
Trước thực trạng này, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Chỉ đạo 138 tỉnh) đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tổ chức 833 buổi truyền thông về phòng chống HIV/AIDS, thu hút gần 35.000 lượt người tham gia.
“30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam” là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020. Với chủ đề này, Việt Nam cùng các đối tác nhìn lại các thành quả mà chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được trong suốt 30 năm qua, những bài học kinh nghiệm mà Việt Nam đã đạt được. |
Để nâng cao hiệu quả công tác dự phòng, thời gian qua, CDC Lạng Sơn đã xây dựng đội ngũ đồng đẳng viên với 23 thành viên tham gia tuyên truyền, tiếp cận đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV để truyền thông, phát bao cao su, bơm kim tiêm sạch. Qua đó, ngày càng nhiều người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS. Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có 930 người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm sạch; 1.599 người nghiện chích ma túy được cấp, phát bao cao su miễn phí. Các tổ chức, đoàn thể đã góp phần vận động 469 lượt bệnh nhân bỏ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và các trường hợp nghiện chích ma túy quay lại khởi liều. Tính đến ngày 31/10/2020, toàn tỉnh có 1.621 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 10 cơ sở điều trị và 9 điểm cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn.
Anh H.T.T, đồng đẳng viên thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Hằng tháng, tôi thường xuyên có mặt tại các địa điểm cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn và các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về ma túy để tuyên truyền, vận động các trường hợp nghiện tham gia điều trị Methadone, cấp phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí. Tôi mong rằng mọi người nâng cao nhận thức hơn nữa trong dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS để loại trừ căn bệnh này khỏi cộng đồng.
Tăng cường tư vấn xét nghiệm, điều trị
Cùng với hiệu quả từ tuyên truyền, các cấp, ngành liên quan xác định, để ngăn chặn, đẩy lùi HIV/AIDS thì cần đẩy mạnh tư vấn xét nghiệm, điều trị kháng thuốc. Hiện nay, toàn tỉnh có 14 cơ sở y tế triển khai tư vấn, xét nghiệm và sàng lọc HIV tại 11 huyện, thành phố và 2 bệnh viện tuyến tỉnh, trong đó có 1 phòng xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Hằng năm, các cơ sở y tế triển khai hơn 20.000 mẫu xét nghiệm HIV.
Hiện nay, ngành y tế tiếp tục duy trì hoạt động của 6 phòng khám ngoại trú điều trị ARV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế các huyện: Cao Lộc, Tràng Định, Lộc Bình, Hữu Lũng, Văn Lãng và một số bệnh nhân khác điều trị ngoại tỉnh. Công tác điều trị HIV bằng ARV được thực hiện hiệu quả với 739 bệnh nhân đang được quản lý và điều trị. Quá trình xét nghiệm, theo dõi trong điều trị cho thấy: tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV thấp dưới ngưỡng ức chế đạt 96,24% (256/266 mẫu thực hiện). Điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con được triển khai tốt với 12.622 phụ nữ đến khám thai được tư vấn và xét nghiệm HIV.
Cán bộ phòng khám và điều trị ngoại trú ARV, Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc tư vấn điều trị cho bệnh nhân HIV
Bác sĩ Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, CDC Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, trung tâm đã tăng cường, củng cố, mở rộng các dịch vụ có liên quan đến HIV/AIDS như: tư vấn xét nghiệm HIV, tư vấn chăm sóc bệnh nhân HIV, lấy mẫu xét nghiệm test nhanh HIV cho các lái xe tải đường dài tại khu vực cửa khẩu, phối hợp các hoạt động lồng ghép như lao/HIV, chăm sóc sức khỏe sinh sản… nhằm sàng lọc, phát hiện sớm nhiễm HIV ở các đối tượng có nguy cơ cao.
Với những giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện thời gian qua, trong khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ lây lan của dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế ở mức thấp hơn so với mục tiêu đề ra, số người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS phát hiện hằng năm đều giảm. Vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm so với trước đây… Từ năm 2008 đến nay, Lạng Sơn không còn trong danh sách 10 tỉnh trọng điểm có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trên 100.000 dân cao nhất trong cả nước.
Chiều 16/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, giảm số tử vong do AIDS đạt mức dưới 1 trường hợp /100.000 dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. |
Ý kiến ()