Cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 14,26% dân số cả nước. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Lịch sử dựng nước và giữ nước của đất nước ta cũng cho thấy: Ở thời kỳ nào mà toàn dân đoàn kết, trên dưới một lòng thì đất nước hưng thịnh; thời kỳ nào mà lòng dân ly tán, nội bộ chia rẽ là lúc mà dân tộc ta suy vong, thù trong, giặc ngoài và dẫn đến nguy cơ mất nước.Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến nay, Đảng ta luôn luôn kế thừa và phát huy truyền thống sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng đã sớm xác định xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong hơn 80 năm qua, Đảng đã thực hiện nhất quán chính sách dân tộc 'bình đẳng, đoàn kết, tương trợ', tạo mọi điều kiện cho các dân tộc phát triển gắn bó mật thiết...
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đến nay, Đảng ta luôn luôn kế thừa và phát huy truyền thống sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng đã sớm xác định xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong hơn 80 năm qua, Đảng đã thực hiện nhất quán chính sách dân tộc 'bình đẳng, đoàn kết, tương trợ', tạo mọi điều kiện cho các dân tộc phát triển gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng quốc gia dân tộc, tôn trọng lợi ích kinh tế, truyền thống văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
Ngay sau khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước đã tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở hai miền Bắc, Nam. Trong thư gửi cho Đại hội đại biểu các dân tộc miền Nam, Bác viết: 'Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ có 'NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ' để săn sóc cho tất cả các đồng bào… Giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết chúng ta không bao giờ giảm bớt'. Trên cơ sở tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những quan điểm cơ bản về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng; Nhà nước đã cụ thể hóa tinh thần đó trong Hiến pháp và pháp luật. Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: 'Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số'. Để bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các dân tộc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 22-NQ/T.Ư 'về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế – xã hội miền núi'. Tiếp đó, Đảng và Nhà nước đã ra nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, các chương trình đầu tư phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi. Đối với các địa bàn trọng điểm như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Bộ Chính trị và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế – xã hội và quốc phòng, an ninh; thành lập các Ban chỉ đạo và phân công các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trực tiếp phụ trách, chỉ đạo thực hiện.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ra Nghị quyết số: 24 NQ/T.Ư 'về công tác Dân tộc'. Sau tám năm thực hiện Nghị quyết, các vùng dân tộc ở nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống. Đường giao thông, mạng lưới điện quốc gia, các công trình thủy lợi được đầu tư rộng khắp. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng nhanh; kinh tế nông, lâm nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an ninh lương thực và tăng xuất khẩu, công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản có bước phát triển.
Công tác giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 90% – 95%; hầu hết các xã miền núi đã có trường tiểu học và trung học cơ sở kiên cố; 100% các huyện đều có trường THPT; nhiều huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa có các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường bán trú dân nuôi tại các cụm xã. Các tỉnh miền núi đều có trường trung học phổ thông dân tộc nội trú và các trường trung cấp chuyên nghiệp; các vùng đều có trường đại học, đại học dự bị cho con em các dân tộc thiểu số. Thực hiện chế độ cử tuyển, hàng vạn con em các dân tộc thiểu số đã được đào tạo có trình độ đại học, cao đẳng và THCN.
Cơ sở vật chất, thiết bị y tế được tăng cường; người nghèo được cấp bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí; 100% các huyện đã có trung tâm y tế, các xã đã có trạm y tế và cán bộ y tế cơ sở; tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng đã giảm xuống dưới 25%; đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng muối i-ốt; bệnh dịch cơ bản đã được ngăn chặn, đẩy lùi.
Đời sống văn hóa của đồng bào được nâng lên rõ rệt, các thiết chế văn hóa ở cơ sở được quan tâm xây dựng; 100% số xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa; mạng lưới phát thanh, truyền hình được phủ sóng trên cả nước, 90% số hộ dân được nghe đài, 80% số hộ dân được xem truyền hình. Thông qua Cuộc vận động 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư', tỷ lệ thôn, bản văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng tăng; hoạt động văn hóa – thể thao, các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được tổ chức thường xuyên ở nhiều vùng dân tộc thiểu số, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, xóa bỏ dần những tập tục lạc hậu.
Tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đuợc củng cố; 100% số xã có tổ chức cơ sở Đảng, gần 90% số thôn, bản có chi bộ. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã có nhiều tiến bộ, tỷ lệ cán bộ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp ngày càng tăng. Công tác xây dựng lực lượng nòng cốt, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số được quan tâm. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng miền núi, biên giới cơ bản ổn định. Các lực lượng vũ trang đã tăng cường bố trí các tổ, đội công tác xuống các địa bàn trọng điểm vùng sâu, vùng xa, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, tăng cường tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; ngăn chặn, làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, do điều kiện sống phân tán ở những vùng sâu, vùng xa, do phong tục, tập quán, trình độ phát triển của một số dân tộc còn nhiều hạn chế. Mặt khác, do việc triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về dân tộc và miền núi ở một số địa phương, một số ban, ngành và một số đơn vị chưa đến nơi, đến chốn, thậm chí còn thiếu trách nhiệm; nhiều chương trình dự án triển khai không đồng bộ, nhiều công trình đầu tư xây dựng chất lượng kém, gây nhiều thất thoát, hiệu quả sử dụng thấp. Một số chính sách đã ban hành, trong đó có những quy định không còn phù hợp, nhưng chậm được bổ sung, hoàn thiện. Những yếu kém trên đây đã gây ra những cản trở, những hậu quả không đáng có trong quá trình thực hiện các chủ trương chính sách về dân tộc của Đảng và Nhà nước. Dẫn đến tình trạng tình hình đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện nhất quán quan điểm của Đảng về đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách và chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi cho phù hợp thời kỳ mới; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhanh. Đó cũng chính là việc làm thiết thực, để củng cố niềm tin của đồng bào các dân thiểu số đối với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và là nhân tố quan trọng để củng cố, nâng cao sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()