Công đoàn phải thật sự là hạt nhân tập hợp giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước
“Công đoàn phải thật sự là hạt nhân tập hợp giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước” – đây là nhấn mạnh của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp trọng thể Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam sáng 2/12 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TP Hà Nội.
Tới dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành và khách quý trong nước, quốc tế.
Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức công đoàn diễn ra vào thời điểm đoàn viên, người lao động cả nước đang ra sức thi đua lao động sản xuất, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tại đại hội, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động không thuận lợi, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực, trực tiếp, kéo dài của dịch bệnh COVID-19 đối với đoàn viên, người lao động và các cấp công đoàn, song phát huy truyền thống của Công đoàn Việt Nam gần 95 năm đồng hành cùng đất nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động, với sự năng động, nhạy bén thích ứng của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có những bước chuyển quan trọng, nhất là trong việc thực hiện vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Các cấp công đoàn, nhất là Tổng Liên đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Tổ chức công đoàn cũng phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động như: Kiến nghị xác đáng tại Hội đồng Tiền lương Quốc gia, góp phần tăng lương tối thiểu vùng 25,34% so với đầu nhiệm kỳ.
Tham mưu tổ chức thành công Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân hàng năm; Diễn đàn Người lao động do Chủ tịch Quốc hội chủ trì; các cuộc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, viên chức, lao động, góp phần giải quyết nhiều vấn đề của công nhân lao động; là kênh quan trọng hoàn thiện chính sách, pháp luật…
“Nhiệm kỳ tới, các cấp công đoàn xác định 3 khâu đột phá gồm: Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cùng với đó các cấp công đoàn cũng xác định 10 nhóm chỉ tiêu phấn đấu gồm 7 chỉ tiêu hàng năm, 3 chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Tám nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung thực hiện như: Tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam…”, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết.
Phát biểu tại đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn như ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19. Tổ chức công đoàn đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong suốt 94 năm phát triển, trưởng thành.
Tuy vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được đó, hoạt động của tổ chức công đoàn cũng còn nhiều bất cập như: Tổ chức chưa đổi mới kịp theo yêu cầu của tình hình xã hội; một bộ phận cán bộ công đoàn chưa sâu sát để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động; công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở chưa đáp ứng kịp yêu cầu; nhiều nơi chất lượng đoàn viên chưa cao… “Những tồn tại, hạn chế này có trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Chính vì thế, đại hội lần này cần phân tích rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp khắc phục bằng được trong nhiệm kỳ này”, Tổng Bí thư nói.
Chỉ đạo đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và gợi mở thêm một số vấn đề cho tổ chức công đoàn nhiệm kỳ mới. Theo đó, tổ chức công đoàn khi chỉ đạo, triển khai hoạt động công đoàn cần nhận thức rõ Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội. Hoạt động của công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng. Công đoàn cần phối hợp với các cơ quan để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, hướng tới quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Tổ chức công đoàn phải thật sự là hạt nhân tập hợp giai cấp công nhân và người lao động trong cả nước.
Tổ chức công đoàn cần đổi mới hơn nữa tuyên truyền, bồi dưỡng cán bộ, công nhân người lao động về chuyên môn để giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, hiện đại. Công đoàn cần phải giúp người lao động nhận thức rõ hơn nữa vị trí, vai trò để nâng cao năng suất lao động, thu nhập để đảm bảo cuộc sống.
“Tôi đề nghị các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò là đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động. Các cán bộ công đoàn phải đặt ra câu hỏi, người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và được lợi gì. Từ đó nỗ lực thực hiện tốt vai trò của tổ chức công đoàn, tham gia xây dựng luật pháp, quy chế, quy định liên quan đến người lao động. Kịp thời giải quyết được những bức xúc, mang lại lợi ích cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn, có chiến lược. Tập trung chăm lo hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động, nhất là các trường hợp khó khăn. Quan tâm chu đáo đến từng bữa ăn, giấc ngủ, tâm tư tình cảm của người lao động, từ đó thu hút người lao động tham gia để tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Công đoàn Việt Nam phải là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Nguồn:https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/cong-doan-phai-that-su-la-hat-nhan-tap-hop-giai-cap-cong-nhan-va-nguoi-lao-dong-trong-ca-nuoc-i715726/
Ý kiến ()