Công diễn lần đầu vở cải lương đặc sắc ‘Thầy Ba Đợi’
Một cảnh trong vở cải lương “Thầy Ba Đợi”. Ảnh: SGGP |
Vở cải lương Thầy Ba Đợi”- tác giả văn học PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ; chuyển thể cải lương soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng; đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ – đạo diễn Lê Trung Thảo; chỉ đạo nghệ thuật NSND Trần Ngọc Giàu) là một trong những hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa kỷ niệm 43 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2018), 100 năm nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam.
Vở diễn lần đầu tiên tụ họp các nghệ sĩ của ba miền Bắc- Trung- Nam, như một thông điệp đoàn kết một nhà, chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị di sản lịch sử, văn hóa tinh hoa của ông cha….
“Thầy Ba Đợi” mang đến công chúng tiếng nói từ trái tim của những người dân Việt luôn thấm đẫm tinh thần yêu nước, luôn có ý thức gìn giữ những di sản văn hóa quý báu của ông cha. Thông qua hình ảnh một “Thầy đờn”, nhạc sư, nhạc quan triều Nguyễn tên Nguyễn Quang Đại – Thầy Ba Đợi cùng với những bể dâu của giang sơn Việt khi triều Nguyễn buông xuôi quy hàng thực dân Pháp dâng lục tỉnh Nam Kỳ…
Phác họa 100 năm nghệ thuật Cải lương Việt Nam và “Thầy Ba Đợi”
Trước khi đến với “Thầy Ba Đợi”, cũng nên tìm hiểu sơ qua về cải lương Việt Nam và vai trò của “Thầy Ba Đợi” trong việc hình thành thể lọai nghệ thuật này.
Nghệ thuật cải lương Việt Nam ra đời, dựa trên cơ sở Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình, ca Huế, nhạc Hát bội, Đờn ca tài tử. Trải qua nhiều thăng trầm, những đổi thay của lịch sử và đời sống văn hóa xã hội, nghệ thuật cải lương vẫn kiên trì bền bỉ tồn tại, vẫn luôn là một nơi chốn để bám víu tinh thần trong cuộc sống.
Nghệ thuật cải lương có thể nói xuất phát từ cái nôi Nam Bộ, khi đờn ca tài tử ở đất này như “cá gặp nước” phát triển rực rỡ vào những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đặc biệt từ năm 1918. Rất nhiều “lò”- trường phái đờn ca tài tử với những nghệ nhân danh bất hư truyền tạo lập nên những huyền thoại “Thầy đờn”, những ngón đàn trăm năm sau vẫn là vô đối.
Đứng đầu trường phái Tài tử miền Tây là nhạc sư Trần Quang Quờn (Kí Quờn), là người tài hoa “cầm – kỳ – thi – hoạ”. Ông soạn lời ca “Bá Lý Hề” theo điệu Văn Thiên Tường và Tứ đại oán vào khoảng những năm đầu 1900. Trường phái này cho ra đời 10 bản Khách, còn gọi là Thập thủ liên hườn gồm: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên hườn, Tây mai, Kim tiền, Hồ quảng, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Bình nguyên.
Nhóm này còn có bộ “Tứ bửu” do nhạc sư Lê Tài Khị sáng tác để đáp lại bộ “Ngũ châu” của nhóm miền Đông, gồm các bản: Minh Hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê (khác với Ái tử kê trong 8 Ngự – theo sách của Nguyễn Tấn Hưng).
Nhạc sư Lê Tài Khị (Hai Khị) còn gọi là nhạc Khị, giới Tài tử – Cải lương miền Tây tôn ông là hậu Tổ nhạc tài tử Nam bộ. Vì không những ông đã có công chấn chỉnh, hiệu đính và hệ thống hóa 20 bản Tổ, mà còn có công đào tạo nhiều thế hệ đệ tử tài hoa, những danh cầm, nhạc sư, soạn giả Cải lương nổi tiếng nhất ở miền Tây Nam Bộ như: Trịnh Thiên Tư, Ba Chột, Mười Khói, Tư Biên, Hai Phát, Hai Thơm, Lư Hoài Nghĩa (Năm Nghĩa), Chín Máng, Trần Tấn Trung (soạn giả Mộng Vân), Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ)…; Trong đó có nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976) là tác giả của bản Dạ cổ hoài lang, nó là tiền thân của bài Vọng cổ nhịp 32 sau này.
Đứng đầu trường phái Tài tử miền Đông là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Thầy đờn Ba Đợi, sinh năm 1855?, không rõ năm mất), ông vốn là một quan nhạc của triều Nguyễn. Theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đức nghệ nhơn tiền phong nhạc Lễ, nhạc Tài tử Nguyễn Quang Đại”, ông từ quan để hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp (khoảng năm 1885) và vào Nam dạy nhạc Lễ, nhạc Tài tử.
Ban đầu ông dừng chân dạy nhạc ở Đakao- Sài Gòn và một số nơi ở miền Đông, miền Tây. Riêng ở Cần Đước – Long An là nơi ông sinh sống, truyền dạy nhạc Lễ và nhạc tài tử Nam Bộ ở đây lâu nhất, có nhiều học trò nhất so với các nơi khác.
Ông có công chỉnh lí 4 bản Bắc: Lưu thuỷ trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn và Cổ bản vắn của ca nhạc Huế thành hơi điệu theo phong cách nhạc tài tử Nam bộ. Ông còn sáng tác thêm bộ Ngũ châu: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp và 8 bản Ngự: Đường Thái Tông, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Quả phụ hàm oan, Duyên kỳ ngộ.
Ông cũng đã đào tạo được nhiều môn đệ thành danh như Sáu Thới, Tám Hạnh, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ, Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Năm Khiết, Ba Đồng, Tư Bường, Nguyễn Văn Thinh,… Học trò ông tiếp tục bung ra truyền nghề cho thế hệ sau, với nhiều môn đệ nổi tiếng: Xã Năm, Hương Trì, Tám Điển, Năm Viên (cha Chín Láo), Chín Chiêu, Sáu Thoàng, Năm Tịnh, cô Sáu Lung, cô Bảy Giỏi (thế hệ thứ nhất)…
Nghệ sĩ Quang Khải trong vai thầy Ba Đợi (thời trẻ) và NSƯT Quế Trân trong vai tiểu thư Ái Hoa. |
Thế hệ nối tiếp cũng duy trì được tiếng tăm có 4 ban nhạc Lễ gồm: Nhạc Tho (Cần Giuộc), Nhạc Thời (Bình Chánh), Nhạc Viên, Nhạc Hộ (Cần Đước). Các thành viên của 4 ban nhạc Lễ này về sau, khi phát triển phong trào Đờn ca tài tử có nhiều người rất nổi tiếng cả về nhạc Lễ và nhạc tài tử Nam Bộ…
Nối tiếp truyền thống âm nhạc dân tộc, những thập niên cuối thế kỷ XX miền Đông Nam Bộ mà khu vực trung tâm là Chợ Lớn, Tân An, nhất là Cần Đước, xuất hiện rất nhiều danh cầm, danh ca, được các hãng đĩa và đài phát thanh, truyền hình thu, phát, quãng bá rộng rãi như: Hai Biểu, Ba Tu, Văn Vĩ, Minh Vương, Út Bạch Lan, Mỹ Châu..
Thầy Ba Đợi, được xem là bậc tiền bối đã đặt nền tảng cho việc truyền bá âm nhạc cung đình Huế trên đất Nam Bộ, sau đó cải biên và định hình 20 bài bản tổ trong nghệ thuật đờn ca tài tử. Từ đây, phát triển và hình thành sân khấu cải lương.
Từ chỗ thịnh hành ở phương Nam với những gánh hát nhỏ, nghệ thuật cải lương đã phát triển ra phía Bắc, hình thành những nhà hát, đoàn cải lương lớn để lại dấu ấn tốt đẹp trong công chúng với nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng.
“Thầy Ba Đợi” – vở cải lương hiếm có
Vở cải lương “Thầy Ba Đợi” là đề tài ấp ủ lâu năm, một trăn trở khôn nguôi về việc “Uống nước nhớ nguồn”, vinh danh nhân tài nghệ thuật dân tộc, nhằm bảo tồn phát triển nghệ thuật cải lương Việt Nam, mà PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ (Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương) như rút ruột, mang tâm huyết để viết thành kịch bản văn học.
Như một đồng điệu, soạn giả Hoàng Song Việt và Phạm Văn Đằng đã chuyển thể kịch bản cải lương; hai đạo diễn xuất sắc là NSƯT Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Lê Trung Thảo thực hiện dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Trần Ngọc Giàu; cùng với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ cải lương tài danh của 3 miền: NSND Vương Hà, NSND Hoàng Đạt, NSƯT Xuân Vinh, nghệ sĩ Quang Khải, NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Quế Trân, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quỳnh Hương, Võ Minh Lâm, Điền Trung, Trọng Nghĩa…, vở “Thầy Ba Đợi” khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, nhân vật chính là Thầy Ba Đợi (tên thường gọi theo người Nam Bộ của Nhạc quan, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật cải lương.
Cảnh vua Hàm Nghi bị lưu đày sang Pháp trong “Thầy Ba Đợi” |
Khi vị vua yêu nước Hàm Nghi, người khởi xướng phong trào Cần Vương, bị thực dân Pháp đàn áp, bắt, lưu đày sang châu Phi, Thầy Ba Đợi đã xuôi phương Nam mang theo di sản nghệ thuật quý báu là Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế, kết hợp nhạc Hát bội, Đờn ca tài tử Nam Bộ, tạo thành nghệ thuật cải lương lưu truyền tới ngày nay.
Qua bài thơ “Gập ghềnh ngũ cung” cũng là chủ đề xuyên suốt vở cải lương “Thầy Ba Đợi” của PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, là một câu chuyện nhiều tình tiết éo le thông qua cuộc đời người nhạc sư -Thầy Ba Đợi, bị giặc Pháp truy đuổi do ủng hộ phong trào Cần Vương. Tại đây, ông đã được con gái quan Tổng đốc cưu mang.
Mối tình dang dở với nàng tiểu thư hiền thục ấy đã tạo nên số phận của Thầy Ba Đợi, để ông rót vào ngón đờn những khúc nhạc bi tráng, như gói cả thăng trầm dâu bể quốc gia, nước mất, nhà tan, tình yêu trắc trở và đau đáu nỗi niềm làm sao gìn giữ di sản tinh thần, vốn quý âm nhạc dân tộc cho các đời sau: Chốn cung đình vọng tiếng nhạc ngân/Đinh – Lý – Trần – Lê – Nguyễn những say mê/Điệu ngũ cung máu nhuộm trời chiều/Đường thiên lý hoa tàn trằng khuyết/Nước non ngàn dặm ra đi/Đất phương Nam biển rộng, sông dài/Triệu triệu phù sa châu thổ bồi đắp/Những đêm trăng câu ca lay động/Trương Định, Đốc Binh Kiều ngạo nghễ/Kinh hồn nghịch tặc, máu đỏ tướng quân/Chấn hưng văn hiến vun nhạc lễ/Hồn cốt cha ông mãi lưu truyền.
Có lẽ chưa khi nào có một vở cải lương được hòa giọng của nghệ sĩ 3 miền Bắc – Trung – Nam lại “nhuyễn” như trong “Thầy Ba Đợi”, mỗi nhân vật đều có “giọng” riêng theo đúng “gốc” của mình, thậm chí nhân vật Thầy Ba Đợi (gồm 4 nghệ sĩ vào vai qua 4 thời kỳ) cũng có “giọng” rất hợp với hoàn cảnh, bối cảnh thời gian.
Đặc biệt, dù “giọng” Nam, “giọng” Bắc, hay Huế, nhưng khi bắt vào điệu ca cải lương đều rất “ngọt”, từ câu vào điệu vọng cổ đến câu xuống “xề” nghe xuôi như một dòng nước chảy êm, không hề có một sự chênh nào.
Như “kỷ lục” của một vở cải lương, mà lâu nay ít vở nào có được, “Thầy Ba Đợi” đã cống hiến cho khán giả mộ điệu cải lương được nghe “đã” nhiều bài bản tổ trong số 20 bản tổ cải lương theo tình tiết diễn biến câu chuyện như: Trống Xuân (thuộc Nam Xuân), Nam Ai, Lớp Mái (thuộc Nam Ai), Nam Đảo; Bốn Oán: Giang Nam, Phụng hoàng,Tứ Đại oán; Sáu Bắc: Xuân tình, Phú lục, Tây Thi, Bình bán; Bảy Lễ: Ngũ Đối Thượng… và nhiều bài bản khác.
Với thời lượng tới hơn 150 phút nhưng có thể nói đây là vở cải lương “tốc độ”, các tình tiết diễn biến không bị dàn trải, các chi tiết luôn tiếp diễn nhanh, ngay cả “công thức” ca đủ 6 câu cho một tình tiết cũng không “mặc định” nên cảm giác diễn biến câu chuyện hợp lý hơn, gắn với đời thật hơn.
Nhiều trường đoạn, nhiều cảnh của vở diễn gây xúc động, như cảnh từ biệt Vua Hàm Nghi khi bị Pháp đưa lên tàu đi đày ở Châu Phi, hay cảnh nàng Ái Hoa quyết hy sinh mối tình chấp nhận lấy Công tử Hiến để cứu chàng nhạc sư tài danh Ba Đợi, để chàng có thể hoàn thành hoài bão của mình giữ gìn vốn quý âm nhạc dân tộc. Cảnh Thầy Ba Đợi khóc nàng Ái Hoa khi nghe tin nàng bị đày đọa ở nhà chồng đến chết cũng là một trường đoạn bi thương gây xúc động.
Và đó cũng chính là sự thành công của các nghệ sĩ trong các vai diễn như NSƯT Quế Trân vai Ái Hoa, các nghệ sĩ trong vai Thầy Ba Đợi: NSƯT Xuân Vinh, nghệ sĩ Quang Khải, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Thanh Tuấn; NSND Vương Hà… của Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Trần Hữu Trang.
Poster vở cải lương “Thầy Ba Đợi” |
“Thầy Ba Đợi” ra mắt vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm nghệ thuật Cải lương Việt Nam, lại đúng dịp cả nước đang trong tuần lễ kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, 43 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không chỉ như một thông điệp Bắc – Trung – Nam một nhà, mà còn như một niềm hy vọng khởi đầu cho việc chấn hưng nghệ thuật cải lương ở giai đoạn mới, không chỉ bảo tồn, giữ gìn mà còn phát triển để đứng vững và trường tồn trong dòng chảy văn hóa nghệ thuật Việt Nam./.
Ý kiến ()