Công điện khẩn về phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N6 và các chủng vi rút khác
Ngày 4/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát có công điện khẩn số 7115/CĐ-BNN-TY gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành, thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác.
Ảnh minh họa. (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Theo đó, vi rút cúm A/H5N6 đã được phát hiện trên gia cầm ở nhiều nước như: Trung Quốc, Lào, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, vi rút cúm A/H5N6 đã được phát hiện tại một số tỉnh biên giới phía Bắc (Chi Lăng, Tràng Định – Lạng Sơn; Phố Lu, Bảo Thắng – Lào Cai) và một số tỉnh thuộc vùng Trung bộ. Tổng số gà, vịt và chim trĩ mắc bệnh cúm A/H5N6 và chết là 2.013 con, tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 5.188 con.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tại Quảng Ninh, Lạng Sơn đã bắt giữ và xử lý nhiều vụ nhập lậu hàng chục nghìn gia cầm và trứng gia cầm qua biên giới. Kết quả xác định một số ổ dịch cúm A/H5N6 cho thấy, dịch xảy ra có liên quan đến việc buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch thú y.
Nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm khác tiếp tục phát sinh và lây lan trên diện rộng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành, thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm tập trung triển khai công tác phòng chống dịch cúm gia cầm theo tinh thần tại Công điện khẩn số 6529/CĐ-BNN-TY ngày 14/8 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Trong đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các Ban, ngành liên quan tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch để dập tắt kịp thời, không để dịch lây lan. Khi có dịch xảy ra cần lấy mẫu gửi xét nghiệm, tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch. Đồng thời, lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc việc kiểm dịch tại gốc; xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm.
Đối với các địa phương biên giới, không cho phép mọi hình thức buôn bán, vận chuyển qua biên giới gia cầm và sản phẩm gia cầm không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới. Phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật; lấy mẫu để giám sát sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N6 và các chủng vi rút khác đối với gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm tại các địa bàn có nguy cơ cao, phù hợp với các chủng vi rút cúm gia cầm đang lưu hành theo hướng dẫn của Cục Thú y.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thú y cần tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm bệnh, lập bản đồ dịch tễ, hướng dẫn sử dụng vắc xin phòng chống dịch cúm gia cầm hiệu quả. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong công tác phòng chống dịch, tập trung vào các địa bàn có nguy cơ cao đối với cúm gia cầm A/H5N6 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác.
Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, tuyên truyền cho người chăn nuôi buôn bán gia cầm thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc, giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Ngoài ra, Bộ Công an cần chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng thú y, quản lý thị trường, hải quan kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, lưu thông trong nước.
Theo CPV
Ý kiến ()