Công điện
Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lạng Sơn điện:
UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố;
Các Sở, ngành: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn; Công ty TNHH MTV khai thác CTTL Lạng Sơn.
Thực hiện Công điện số 37/CĐ-TW hồi 13 giờ 30 ngày 13/8/2018 của Ban Chỉ đạo TW PCTT và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung ương và Đài Khí thượng Thủy văn tỉnh Lạng Sơn. Hồi 04 giờ ngày 15/8, vị trí tâm bão số 04 ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ) giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 100 km tính từ tâm bão. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6; phía Tây Bắc khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ đêm ngày 14/8 đã xuất hiện mưa vừa, mưa to. Lượng mưa đo được tại các trạm như sau: Lạng Sơn 40.0mm; Thất Khê 12.0mm; Mẫu Sơn 43.0mm; Đình Lập 20.0mm; Bắc Sơn 13.0mm, Hữu Lũng 5.0mm.
Cảnh báo mưa lớn: Trong ngày 15/8 ở các khu vực trong tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông; từ đêm 15/8 đến ngày 17/8 trên địa bàn các huyện sẽ có mưa to đến rất to (lượng mưa 250-350mm/đợt). Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lớn, lũ và sạt lở đất, lũ quét. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ngành; UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung như sau:
1- Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thành phố, các sở, ngành, các cơ quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 04, mưa, lũ; thông tin cảnh báo kịp thời, chỉ đạo ứng phó, tăng cường công tác kiểm tra, cảnh báo, thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết chủ động ứng phó với tình hình của mưa, lũ và sạt lở đất.
2- UBND các huyện, thành phố chủ động và tăng cường kiểm tra, rà soát, sơ tán, di dời dân ở các khu vực nguy hiểm, chú ý các vùng có nguy cơ cao như hạ lưu các đập có nguy mất an toàn, bờ sông, suối, vách núi… đặc biệt dân cư tập trung ven sông Kỳ Cùng, sông Thương, sông Trung những nơi có nguy cơ sạt lở. Chuẩn bị đầy đủ phương tiên, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố trong mưa, lũ; tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn về người và tài sản khi có mưa, lũ.
3- Đối với các công trình đang thi công như cầu Kỳ Cùng thành phố Lạng Sơn, đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, các công trình đang thi công dở dang, nhất là đối với các công trình hồ, đập có nguy cơ mất an toàn cao, các chủ đầu tư, Ban quản lý, nhà thầu phải triển khai ngay các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn cho người, công trình, phương tiện máy móc, kiên quyết đưa người ra khỏi những vị trí nguy hiểm. Đặc biệt là các lán trại, nhà ở công nhân, nhà ven sông, suối và các ta luy có nguy cơ mất an toàn.
4- Sở Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống biển cảnh báo tại các vị trí ngầm, tràn; các bến đò, đường dân sinh qua suối; rà soát, bố trí máy móc, phương tiện, vật liệu theo phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo giao thông thông suốt khi mưa, bão xảy ra.
5- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm chắc tình hình mưa lũ; đôn đốc UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan chủ động rà soát, triển khai phương án phòng chống thiên tai trên địa bàn, lĩnh vực quản lý; kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung cần thiết. Chỉ đạo triển khai các biện pháp tiêu nước chống úng, ngập cho lúa mùa mới cấy và hoa màu…
6- Sở Công thương chủ động kiểm tra các hồ, đập thủy điện trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy điện theo dõi, vận hành hồ hợp lý, để đảm bảo an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du. Triển khai các phương án phòng chống thiên tai theo lĩnh vực quản lý.
7- Sở Y tế tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế chuẩn bị người và phương tiện y tế, thuốc men để sẵn sàng cứu chữa kịp thời những nạn nhân…
8- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ động tuyên truyền về tình hình mưa, lũ tới người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Chỉ đạo công tác ứng cứu tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
9- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các huyện, thành phố, Báo Lạng Sơn tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin bằng nhiều hình thức nhất là các hình thức trực quan, đưa thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ về tình hình cơn bão số 04 nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.
10- Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Lạng Sơn triển khai ngay các phương án, biện pháp đảm bảo an toàn công trình, các hồ chứa, đặc biệt đối với các hồ chứa đang có nguy cơ mất an toàn, cần xử lý ngay những sự cố hư hỏng để đảm bảo an toàn cho công trình, bố trí cán bộ trực 24/24 và thường xuyên báo cáo về văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
11- Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tăng cường công tác kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương thực hiện các phương án ứng phó với bão.
12- Các Sở, Ban, Ngành, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương khẩn trương thực hiện các phương án khắc phục hậu quả do bão, sạt lở đất… gây ra. Duy trì trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa, lũ, sạt lở đất và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để có biện pháp kịp thời.
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()