Công cụ quản trị thị trường lao động
Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế.
Điểm tựa của người lao động
Chính sách BH thất nghiệp được triển khai từ năm 2009. Sau 11 năm, đến nay đã có hơn 13 triệu người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 27,4% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo đánh giá của Thứ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) Lê Văn Thanh, chính sách BH thất nghiệp đã thực hiện tốt vai trò là “điểm tựa” cho người lao động bị thất nghiệp với hơn 5,2 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, 97% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; số người được hỗ trợ học nghề có xu hướng tăng, với hơn 230 nghìn người…
Báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB và XH) cũng cho thấy, chính sách BH thất nghiệp đã thể hiện rõ vai trò “điểm tựa” của mình khi trong năm tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã có hơn 430 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 28% so cùng kỳ năm 2019. Chỉ riêng tháng 5-2020, đã có gần 158 nghìn người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 55% so tháng 4-2020 (101.800 người) và tăng 45% so cùng kỳ năm 2019 (109.569 người).
Đánh giá việc thực hiện chính sách BH thất nghiệp, Cục trưởng Việc làm Vũ Trọng Bình cho rằng, chính sách BH thất nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thời gian qua. Đặc biệt, khi xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, rủi ro về thị trường lao động “đột biến” và chưa từng xảy ra trước đây. Trong bối cảnh đó, hệ thống BH thất nghiệp đã đóng vai trò nổi bật. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của Chính phủ, tại các hệ thống thực hiện chính sách BH thất nghiệp, đặc biệt ở những tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…, đã có hàng trăm nghìn người thất nghiệp đến các trung tâm dịch vụ việc làm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và tìm việc làm mới; các cán bộ thực hiện chính sách BH thất nghiệp vẫn làm việc bình thường để giải quyết cho người lao động. Đến hết tháng 5, Quỹ BH thất nghiệp đã chi trực tiếp hơn 4.000 tỷ đồng cho người lao động và dự kiến đến hết năm 2020 có thể sẽ có hơn mười nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho người lao động, hàng triệu người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm để quay trở lại thị trường lao động…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, chính sách BH thất nghiệp cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã chỉ rõ, chính sách BH thất nghiệp chưa thật sự gắn với thị trường lao động, mới tập trung nhiều cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức; còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thỏa đáng đến các giải pháp phòng ngừa theo thông lệ quốc tế. Cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức bộ máy thực hiện BH thất nghiệp còn nhiều điểm bất cập…
Trở thành công cụ quản trị thị trường lao động
Với những hạn chế như: Đối tượng tham gia BH thất nghiệp chưa bao phủ tất cả đối tượng có quan hệ lao động, nhất là lao động làm việc tại khu vực phi chính thức; việc tổ chức thực hiện chính sách BH còn nhiều hạn chế, chưa thể hiện được vai trò là công cụ quản trị thị trường. Người thất nghiệp phần lớn là lao động phổ thông cho nên chỉ quan tâm trợ cấp thất nghiệp mà ít có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề; nhiều đơn vị sử dụng lao động còn trốn đóng, chậm đóng BH thất nghiệp. Chưa có sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa chính sách BH thất nghiệp và các chính sách khác, cần có chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động từ nguồn Quỹ BH thất nghiệp (như hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề do phải thay đổi cơ cấu công nghệ; hỗ trợ tránh sa thải lao động trên 35 tuổi, lao động là người tàn tật)…
Trước thực tế đó, Cục trưởng Việc làm Nguyễn Văn Bình cho rằng, xây dựng một đề án để cải cách, đổi mới về BH thất nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Sau hơn 10 năm, chính sách BH thất nghiệp đã không còn đáp ứng yêu cầu quy mô của nền kinh tế, đòi hỏi phải thiết kế chính sách mới trong quản trị Quỹ BH thất nghiệp. BH thất nghiệp không chỉ là công cụ an sinh xã hội mà thực chất phải là một công cụ quản trị thị trường lao động. Qua đánh giá cho thấy, địa bàn nào công nghiệp hóa càng mạnh, thị trường lao động càng phát triển thì vai trò của Quỹ BH thất nghiệp càng lớn. Thất nghiệp cũng là một trong những rủi ro của quá trình công nghiệp hóa và Quỹ BH thất nghiệp sẽ giúp ổn định, phát triển thị trường lao động, là công cụ của Nhà nước để quản trị thị trường lao động…
Hiện nay, Cục Việc làm đã xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách BH thất nghiệp”, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách BH thất nghiệp thật sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động. Xây dựng hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm đồng bộ, hiện đại, phục vụ công tác BH thất nghiệp, đáp ứng được sự phát triển của thị trường lao động.
Đề án cũng đặt mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp; 100% số người thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu; 15% số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về BH thất nghiệp giữa cơ quan lao động và cơ quan BHXH; 100% số nhân sự thực hiện BH thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo, có cấp chứng chỉ nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BH thất nghiệp đạt mức 85%… Giai đoạn đến năm 2030, đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp và đến 2045, đạt khoảng 55% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BH thất nghiệp…
Dự kiến, Đề án sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()