Công bố và Vinh danh Top 10 Sản phẩm-Dịch vụ Ấn tượng và Top 50 Sản phẩm-Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2024
Ngày 20/12, Tạp chí Kinh Tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức Lễ Công bố và Vinh danh Top 10 Sản phẩm-Dịch vụ ấn tượng Tin Dùng 2024 và Top 50 Sản phẩm-Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2024 được người tiêu dùng bình chọn.
Chủ đề trọng tâm của chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024 là “Thương hiệu tích cực-Tiêu dùng bền vững”. Theo đó, tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các sản phẩm-dịch vụ tích cực, chủ động thích ứng với sự thay đổi của thị trường, xanh hóa và số hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng, bảo đảm các hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.
Các nghiên cứu về xu hướng thị trường gần đây cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh và bán lẻ ngày càng hiểu rõ hơn sức mạnh của dữ liệu và luôn sẵn sàng đầu tư mạnh để chuyển dữ liệu thành lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, các công nghệ mới (AI, Cognitive Comuting) đang ở giai đoạn “đỉnh của kỳ vọng” trong chu trình phát triển của các ứng dụng công nghệ. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bắt đầu tiếp nhận các ứng dụng này và cải thiện tổ chức, cơ cấu sản phẩm và trải nghiệm khách hàng, dự đoán xu hướng mua sắm và thói quen của người tiêu dùng… từ đó đưa ra các chiến lược bán hàng hiệu quả hơn. Trên thực tế, chuyển đổi số cũng giúp xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Việc kết hợp chuyển đổi số với chuyển đổi xanh (chuyển đổi kép) sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và xã hội.
Trong khuôn khổ của Lễ Công bố và Vinh danh Tin Dùng Việt Nam 2024, mỗi sản phẩm hay dịch vụ được xướng tên đều là minh chứng cho xu hướng số hóa và xanh hóa này. Bằng cách tạo nên một hành trình mua sắm đa kênh, những dịch vụ cá nhân hóa, hậu mãi hay tiếp thị, chỉ những doanh nghiệp nào thực sự chủ động, tích cực mới có thể tạo ra các dòng doanh thu mới, thu hút và duy trì khách hàng, nhờ đó đạt được sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh đầy thách thức.
Phát biểu chào mừng tại lễ vinh danh, PGS,TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, với chủ đề trọng tâm “Thương hiệu tích cực-Tiêu dùng bền vững” năm nay, tiêu chí đánh giá và bình chọn sản phẩm dịch vụ của chương trình Tin dùng Việt Nam 2024 tập trung vào các sản phẩm-dịch vụ tích cực, chủ động thích ứng với sự thay đổi của thị trường, xanh hóa và số hóa, nâng cao trải nghiệm khách hàng, bảo đảm các hoạt động kinh doanh bền vững và có trách nhiệm.
PGS,TS Phạm Ngọc Linh cũng cho biết, thực tế cho thấy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội trở thành cứ điểm mới trong xu hướng tái cấu trúc của các công ty đa quốc gia trong ngành bán lẻ. Hơn nữa, thị trường trong nước ngày càng hội nhập và có độ mở lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới phân phối toàn cầu.
Nhà báo Đào Quang Bính, Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phát biểu khai mạc Chương trình: “Năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Các xu hướng mới, từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử đến sự phân hóa trong hành vi tiêu dùng, không chỉ định hình lại thị trường mà còn tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp”.
Theo nhà báo Đào Quang Bính, hành vi tiêu dùng tại Việt Nam sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc, khi người tiêu dùng phải thích nghi với các phương thức mua sắm mới để bảo đảm chất lượng cuộc sống mà không vượt quá khả năng tài chính. Trong đó, thương mại điện tử không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, tạo nên hành trình mua sắm đa kênh, mà còn góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu doanh thu bán lẻ lớn hơn, với 10% tổng doanh thu bán lẻ đến từ thương mại điện tử vào năm 2025.
“Trong suốt 18 năm triển khai chương trình, Tạp chí Kinh tế Việt Nam luôn nỗ lực để mở rộng các kênh thông tin kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng. Trong thời khắc khép lại năm cũ, chuẩn bị đón năm mới này, chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp, các thương hiệu cần tích cực, chủ động đón đầu các xu hướng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó góp phần nâng cao sức mua, ổn định thị trường và tăng trưởng doanh thu”, nhà báo Đào Quang Bính nhấn mạnh.
Trong chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024, tất cả các sản phẩm-dịch vụ của các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh, phân phối tại Việt Nam, tuân thủ đầy đủ quy định của luật pháp Việt Nam, đều được tham gia bình chọn. Mỗi doanh nghiệp có quyền đăng ký tham gia một hoặc nhiều nhãn hàng sản phẩm, dịch vụ. Hội đồng bình chọn bao gồm Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, các chuyên gia kinh tế ngành, đại diện các hiệp hội, ngành hàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường và đại diện Ban tổ chức, Hội đồng tư vấn lựa chọn ra những sản phẩm, dịch vụ xứng đáng được vinh danh Tin Dùng Việt Nam 2024.
Cùng với Top 10 sản phẩm-dịch vụ Ấn tượng 2024, Top 50 Sản phẩm-Dịch vụ Tin Dùng Việt Nam 2024 được chia theo 5 nhóm ngành chính gồm Chuỗi bán lẻ, nông sản, thực phẩm, đồ uống; Chăm sóc sức khỏe, dịch vụ nghỉ dưỡng; Vật liệu xây dựng nội-ngoại thất, đồ gia dụng; Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ.
10 sản phẩm được vinh danh Sản phẩm-Dịch vụ Ấn tượng Tin dùng 2024:
1. Gạo A An (Công ty Cổ Phần Lương thực A An).
2. Tổ hợp khoáng nóng Mori Onsen tại Thành phố xanh Ecopark (Công ty CP Bất động sản Ecopark Nomura).
3. Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu (Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu).
4. Nước khoáng thiên nhiên La Vie (Công ty TNHH La Vie).
5. Dịch vụ chăm sóc khách hàng LG Electronics (Công ty LG Electronics Việt Nam).
6. Máy tăm nước không dây Lock&Lock và Bình giữ nhiệt Lock&Lock Sling Ring Nature Tumbler (Công ty TNHH Lock&Lock Việt Nam).
7. Hệ sinh thái tài chính số Viettel Money (Công ty dịch vụ giải pháp Viettel).
8. Xe điện VF3 (Công ty CP Sản xuất và kinh doanh VinFast).
9. Rau củ quả sạch WinEco (Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp WinEco).
10. Dịch vụ đặt xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam (Công ty CP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM).
Ý kiến ()