Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến. Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
GS, TS Khoa học Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN cho biết, năm 2016, cả nước có 65 GS và 638 PGS được công nhận. Đợt xét năm 2016, số ứng viên ban đầu ứng cử GS là 118 người, PGS 813. Sau xét tuyển ở ba cấp hội đồng, HĐCDGSNN đã lựa chọn được 65 GS và 638 PGS, đạt tỷ lệ 75,51 %.
Tuổi trung bình khi được phong, bổ nhiệm của GS Việt Nam từ năm 1980 đến 2016 là 57,13 và của PGS là 50,14. Như vậy, các GS, PGS của Việt Nam có tuổi bình quân nhiều hơn so với GS, PGS các nước phát triển. Trong lịch sử nước ta, khi được phong, bổ nhiệm, GS ở trong nước trẻ nhất là 37 tuổi và PGS là 29. Trong số 65 GS năm 2016 có 59 nam, sáu nữ, là giảng viên trong các trường đại học và học viện. Với 638 PGS, có 449 nam, 189 nữ, sáu người dân tộc thiểu số.
Năm nay, trong tổng số 703 GS và PGS được công nhận, Hà Nội chiếm 66,43 %, TP Hồ Chí Minh 13,80 %; các tỉnh, thành phố khác 19,77 %. TS Trần Đình Thắng, 41 tuổi, ngành Hóa học, trường Đại học Vinh (Nghệ An), có nhiều thành tích khoa học và đào tạo xuất sắc với 75 bài báo quốc tế SCI, SCIE và tham gia ban biên tập hai tạp chí quốc tế có uy tín được công nhận là GS trẻ nhất năm 2016. Trong khi đó, TS Trần Xuân Bách, 32 tuổi, ngành Y học, trường Đại học Y Hà Nội được công nhận PGS trẻ nhất. Đến nay, trong lịch sử khoa giáo Việt Nam hiện đại có khoảng 50 trường hợp, 50 “cặp”, mà cả hai bố con đều là GS hoặc cả hai vợ chồng đều là GS hoặc cả hai anh em ruột đều là GS…
Thực tế cho thấy, điều đáng mừng là số lượng GS, PGS nữ tăng dần hằng năm nhưng còn chậm. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ, nhà giáo và đặc biệt là nữ nhà giáo; GS TS Khoa học Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN đã trích dẫn một câu thơ, một triết lý, một lời dạy của đại thi hào R.Tagore của Ấn Độ (1861-1941, người châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng Nobel (văn chương) năm 1913): “Đầu tư vào một người đàn ông ta được một người chồng tốt, đầu tư vào một người phụ nữ ta được một gia đình tốt, đầu tư vào một nhà giáo ta được một thế hệ tốt”.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch HĐCDGSNN Phùng Xuân Nhạ, từ năm 1980 đến 2016, sau 25 đợt xét, tổng số lượt GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 12.322 người, trong đó, có 1.745 GS và 10.577 PGS. Đội ngũ GS, PGS ở nước ta đã và đang đóng góp tích cực, quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu bền bỉ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của các tân GS, PGS.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương phối hợp HĐCDGSNN và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại lễ công bố, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận, chúc mừng 65 GS và 638 PGS đã được công nhận và khẳng định: Đội ngũ GS, PGS đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp phát triển khoa, công nghệ và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ngày nay đứng trước yêu cầu phát triển bền vững hơn; toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ đã đặt vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ tri thức là các nhà giáo, nhà khoa học vượt lên để không bị tụt hậu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng, đội ngũ GS, PGS cần khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện rất rõ, hai trong số đó là tiềm lực khoa học, công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Điều này cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, chú trọng nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục. Thực tế cho thấy, GS không chỉ là các nhà khoa học giỏi trong nghiên cứu, giảng dạy để đào tạo ra nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư được thừa nhận trong nước và quốc tế, mà còn là tấm gương về nhân cách trong nhà trường, nghiên cứu, giảng dạy và trong đời sống.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng, đội ngũ GS, PGS cần khắc phục khó khăn, tiếp tục phát huy mặt tốt, vai trò của mình trong giảng dạy, nghiên cứu, lĩnh vực phụ trách. Pháp luật đã quy định rõ, GS là chức danh khoa học do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm nhưng GS cũng là chức danh được xã hội và nhân dân vô cùng tôn trọng. Việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn, bổ nhiệm GS, PGS cần được đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển khoa học, công nghệ, xu thế phát triển giáo dục và đào tạo trên thế giới, phù hợp thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn đánh giá…
Ý kiến ()