Công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ
Chiều 25/6, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2020.
Tại Lễ công bố, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý Quy hoạch – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ được phát triển thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, địa bàn hội nhập và giao thương của cả nước với khu vực và quốc tế, thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN và trên trường quốc tế.
Theo đó, trong giai đoạn từ 2011 – 2015 tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 7,5%, giai đoạn 2016 – 2020 đạt 9%. Năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 3.200 – 3.500 USD và đến năm 2020 đạt 5.500 USD. Cùng với đó, tỷ trọng nông lâm thủy sản trong GDP là 7,7%, công nghiệp – xây dựng 49,1% và dịch vụ 45,4%. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 32%. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu so với cả nước bằng 27-29% vào năm 2015 và bằng 32% vào năm 2020; tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân 20-25%/năm, tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%.
Về văn hóa – xã hội, tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn 2011-2015 khoảng 1,2 – 1,3%. Phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 80 – 85%, đào tạo nghề khoảng 40 – 50%, hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 200 – 250 nghìn lao động; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 80%; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 2%; nâng mức thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo gấp 2,5 – 3,5 lần sau mỗi thời kỳ 5 năm.
Với vai trò là vùng phát triển năng động, có cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ phát triển tăng trưởng cao và bền vững, theo quy hoạch, không gian phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sẽ gồm hai tiểu vùng: tiểu vùng Thủ đô Hà Nội và tiểu vùng duyên hải. Trong đó, tiểu vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương. Tiểu vùng duyên hải ven biển gồm thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh (kể cả khu vực biển, ven biển và hải đảo)…
Đồng thời, xây dựng vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt trong thực hiện các đột phá chiến lược, tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo đó, giai đoạn 2014-2020, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ sẽ cần 1.830 nghìn tỷ đồng phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, riêng giai đoạn 2014 – 2015, cần 400 nghìn tỷ đồng; giai đoạn 2016 – 2020 cần 1.430 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông – vận tải, xử lý rác thải, nước thải, thủy lợi, cơ sở phát điện…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()