Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật vừa được Quốc hội thông qua
Năm luật gồm Luật Thủ đô; Luật sửa đổi Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Đường bộ; Luật Bảo hiểm xã hội.
Sáng 23/7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, bao gồm: Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Đường bộ; Luật Bảo hiểm xã hội.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì Họp báo.
Trước khi bắt đầu chương trình, các đại biểu, phóng viên tham dự họp báo đã dành một phút tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bày tỏ lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn.
Quy định các chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô
Luật Thủ đô gồm 7 chương, 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Thủ đô tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Việc xây dựng Luật dựa trên quan điểm, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô, bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.
Luật Thủ đô cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, không phải là đạo luật thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, áp dụng riêng cho Thủ đô.Bên cạnh đó là bám sát 9 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa tại dự thảo Luật các cơ chế, chính sách cụ thể, thực sự mang tính đặc thù vượt trội và đột phá về thể chế nhằm phát huy thế mạnh của Thủ đô.
Chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản
Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa của đội ngũ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; khắc phục hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.
Luật có nội dung mới liên quan đến sửa đổi, bổ sung các quy định về: đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá tài sản; trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động đấu giá tài sản.
Đáng chú ý, Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức hành nghề đấu giá, người có tài sản đấu giá như cấm lập danh sách khống về người tham gia đấu giá, lập hồ sơ khống, hồ sơ giả tham gia hoạt động đấu giá, hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định để tăng cường tính độc lập, khách quan, minh bạch, hạn chế tối đa tiêu cực trong hoạt động đấu gia.
Luật bổ sung 2 điều mới về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến, trong đó quy định việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến, các nguyên tắc chung thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm hoàn thiện hơn nữa hình thức đấu giá trực tuyến, góp phân nâng cao tinh khách quan, công khai, minh bạch, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản.
Giải phóng nguồn lực đất đai
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua, đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành và có nhiều quy định mang tính đổi mới đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới.
Việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng; khắc phục tồn tại hạn chế nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; đồng thời, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư nhất là các dự án đầu tư công, các dự án bất động sản, dự án nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.
Luật được bố cục thành 5 điều, sửa đổi theo hướng cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.
Riêng nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế tại khoản 2 Điều 251 và khoản 4 Điều 260 Luật Đất đai và nội dung chuyển tiếp tại khoản 10 Điều 255 Luật Đất đai liên quan đến các dự án đầu tư thuộc trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 mà nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ để thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, chủ đầu tư trước ngày 1/8/2024 thì cho phép có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2025.
3 đột phá chiến lược trong Luật Đường bộ
Luật Đường bộ gồm 6 chương, 86 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.Luật Đường bộ tập trung vào 3 đột phá chiến lược là thể chế chính sách, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời, giải quyết các yêu cầu của thực tiễn với tầm nhìn chiến lược theo hướng thông minh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động đường bộ và tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, chương III (về đường bộ cao tốc) là chương mới và đặc biệt quan trọng quy định cơ chế chính sách đột phá chiến lược về đường cao tốc, tháo gỡ vướng mắc trong việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ theo quy mô quy hoạch, tạo hành lang pháp lý để đạt được mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường cao tốc.
So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật có các điểm mới như bổ sung quy định về: tiêu chuẩn, quy chuẩn và ứng dụng khoa học công nghệ trong thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác đường cao tốc; chính sách phát triển, đầu tư, xây dựng đường cao tốc; việc mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đối với các dự án đường cao tốc; quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đường cao tốc; quy định về tạm dừng khai thác đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng, đỗ xe trên đường cao tốc.
Quy định mới về hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Luật Bảo hiểm xã hội gồm 11 chương, 141 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.Mục tiêu đặt ra khi xây dựng luật là bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; sửa đổi căn bản vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Luật Bảo hiểm xã hội có những điểm mới, trọng tâm liên quan đến bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm xã hội cơ bản; mở rộng đối tượng được tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội; bổ sung quyền thụ hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Bên cạnh đó là gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia bảo hiểm xã hội; đảm bảo tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội; quy định "mức tham chiếu" thay cho "mức lương cơ sở."
Đáng chú ý, Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Người lao động đã chấm dứt tham gia bảo hiểm xã hội mà có đề nghị thì hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia; bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.
Như vậy, đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025 trở đi, sẽ giải quyết bảo hiểm xã hội một lần trong các trường hợp nêu trên.
Người lao động không hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế; được hưởng trợ cấp hàng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế./.
Ý kiến ()