Công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản
Ngày 29/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức.
|
Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: BT) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, xuất phát từ nhu cầu khách quan trong phát triển nông nghiệp, đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 6/2013. Đề án phát triển ngành dựa trên các chỉ số mục tiêu về “ba trụ cột phát triển bền vững: kinh tế-môi trường-xã hội” cho nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp theo tín hiệu thị trường và nhu cầu tiêu dùng; đặt ra vấn đề xem xét vai trò của các bên trong mối quan hệ “Nhà nước- Doanh nghiệp- Xã hội” thông qua việc thúc đẩy hợp tác “bốn nhà” trong chuỗi giá trị giữa chính quyền địa phương, khu vực tư nhân, tổ chức nông dân, cộng đồng và các nhà khoa học.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã công bố Kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu của 3 tiểu ngành: trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản với những ưu tiên của từng tiểu ngành.
Về ngành trồng trọt, mục tiêu tái cơ cấu ngành nhằm duy trì tăng trưởng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, ưu tiên triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường (ngành lúa gạo, sản phẩm quốc gia, rau an toàn, cà phê – tái canh). Áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (cà phê, hồ tiêu, điều, chè, mía,…); cơ giới hóa, giảm thất thoát sau thu hoạch hỗ trợ, hỗ trợ công nghệ và thiết bị thu hoạch lúa, ngô, mía, chè, cà phê. Đẩy mạnh chế biến, bảo quản, hỗ trợ công nghệ và thiết bị chế biến,…Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng đối tác công tư PPP, tăng cường xúc tiến thương mại. Đổi mới cơ chế chính sách, tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về trồng trọt.
Về chăn nuôi, kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành gồm: nâng cao năng suất, chất lượng giống gia súc, gia cầm. Trong đó, tiến hành giám định, bình tuyển, loại thải đực giống không đủ tiêu chuẩn; xây dựng hệ thống quản lý quốc gia về đực giống vật nuôi, nâng cấp các cơ sở sản xuất giống vật nuôi do Trung ương và địa phương quản lý. Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi; đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu khoa học về lĩnh vực chăn nuôi; nghiên cứu công nghệ sinh học, di truyền nhằm chọn lọc, nhân thuần các giống lợn, gia cầm có năng suất và chất lượng cao theo định hướng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu chọn lọc, lai tạo các tổ hợp lai phù hợp với vùng sinh thái nhằm tăng giá trị gia tăng và lợi thế vùng,…
Trong công tác thú y, xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật về vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch và triển khai vào thực tế sản xuất. Tiêm phòng, vệ sinh thú y đầy đủ, hiệu quả đề phòng chống các loại dịch bệnh ở vật nuôi; kiểm dịch, kiểm soát xuất nhập khẩu, phòng chống buôi lậu đối với gia súc, gia cầm và sản phẩm chăn nuôi. Bên cạnh đó, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý ngành chăn nuôi thông qua sửa đổi Pháp lệnh giống vật nuôi; ban hành văn bản quản lý Nhà nước về giống, thức ăn, môi trường chăn nuôi, chính sách chăn nuôi gắn với biến đổi khí hậu, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về giống vật nuôi, thức ăn, môi trường chăn nuôi,…
Về tái cơ cấu ngành thủy sản, ưu tiên rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi, tiêu thụ cá tra; nuôi tôm nước lợ, cá rô phi, tôm hùm, nhuyễn thể. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch khai thác gồm: số lượng tàu thuyền theo nghề, vùng biển; hệ thống cảng cá, khu neo đậu; hệ thống sửa chữa đóng mới tàu cá. Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế, chính sách như: sửa đổi luật thủy sản 2003; chính sách tạo, sử dụng, quản lý quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản; chính sách quản lý ven bờ. Về khai thác thủy sản, tiến hành đánh giá nguồn lợi hải sản, hiện đại tàu cá, giám sát tổn thất sau khai thác, nâng cao năng lực đăng ký, đăng kiểm tàu cá, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng. Về nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản, áp dụng công nghệ cao trong giống, nuôi, bệnh, môi trường.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, nhằm đổi mới cơ cấu, cơ chế đầu tư công phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Đức Hùng cho rằng, cần nâng cao chất lượng quy hoạch kết cấu hạ tầng gắn quy hoạch với kế hoạch đầu tư. Đồng thời tăng cường quản lý giám sát nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch. Rà soát, phân loại các dự án đầu tư phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn và phương hướng điều chỉnh cơ cấu đầu tư. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu; khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, PGS.TS Đinh Vũ Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp đề xuất đặt hàng, tham gia tuyển chọn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; ứng dụng kết quả nghiên cứu thông qua chuyển giao khoa học công nghệ. Khuyến khích hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ; cải tiến dây chuyền, máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hoặc sản xuất ra sản phẩm mới.
Về nguồn nhân lực, cần xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ tâm huyết đủ năng lực nghiên cứu, có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc độc lập trong môi trường quốc tế; nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế; chuyển giao ứng dụng quy trình kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả cao và bền vững.
Theo CPV
Ý kiến ()