Công bố kế hoạch áp dụng Hệ thống Bảo lãnh Thông quan hiện đại tại Việt Nam
Ngày 1/9, tại Hà Nội, Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Toàn cầu (GATF) công bố một dự án đột phá nhằm cung cấp hỗ trợ kỹ thuật với hậu thuẫn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính và các bộ, ngành tham gia quản lý lĩnh vực thương mại ở Việt Nam.
Hội nghị toàn thể Dự án bảo lãnh thông quan. |
Dự án hỗ trợ có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài đến từ các quốc gia thành viên của WTO để giúp Việt Nam hiện đại hóa và cải cách thủ tục thương mại liên quan đến xuất nhập khẩu.
Dự án cũng bao gồm việc điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp lý và quản lý, hỗ trợ vận hành và công nghệ thông tin cho hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS và các hỗ trợ khác trong nghiên cứu và triển khai một hệ thống bảo lãnh thông quan hiện đại.
Dự án hướng đến việc xây dựng một cơ chế cho phép các bộ, ngành tham gia vào công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu áp dụng được các phương pháp quản lý rủi ro hiện đại và các thông lệ quốc tế tốt nhất, phối hợp với những quy trình thủ tục được xây dựng và áp dụng bởi Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính.
Các đề xuất của dự án đều được lấy ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp tham gia Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Việt Nam (VTFA) tại TPHCM vào năm 2016 và được tiếp nhận bởi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa được kiện toàn. Vào ngày 18/8 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất triển khai giai đoạn đầu tiên của dự án.
Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Toàn cầu là một tổ chức đối tác công-tư bao gồm Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Phòng Thương mại Quốc tế và Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân Quốc tế, với sự tham gia của các công ty logistics và các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu như DHL, UPS, Maersk , Walmart… Ngoài ra, Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Toàn cầu còn nhận được hỗ trợ từng phần từ các chính phủ Australia, Canada, Đức, Anh và Mỹ.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và cũng là quốc gia đang phát triển đầu tiên trên thế giới được lựa chọn bởi các quốc gia tài trợ trong WTO để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật này theo Hiệp định về Tạo thuận lợi Thương mại của WTO, có hiệu lực vào ngày 22/2/2017 khi 112 quốc gia đã phê chuẩn.
Liên minh Tạo thuận lợi Thương mại Toàn cầu đã ký Biên bản hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vào ngày 31/7/2017 tại Hội nghị Thường niên lần thứ 2 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì về mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân và biến kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tới 60% GDP. Đề án sẽ được điều phối bởi Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ mà Văn phòng Chính phủ là cơ quan thường trực.
Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Chủ tịch, đã có báo cáo gửi Thủ tướng đề xuất áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam. Báo cáo này dựa trên cơ sở đề xuất của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) và Liên minh tạo thuận lợi hoá thương mại toàn cầu (GATF).
Hội đồng tư vấn cải cách chính sách cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Theo kết quả đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2016 về chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, Việt Nam xếp thứ 93 thế giới (tăng 15 bậc so với năm 2015), giảm thời gian thực hiện từ 138 giờ xuống còn 108 giờ. Tuy nhiên, chỉ số này của Việt Nam chưa đạt trung bình của nhóm các nước ASEAN 4, các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giao dịch thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khâu thông quan, đặc biệt là kiểm tra chuyên ngành, gây cản trở cho sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh thương mại quốc tế.
Mục tiêu đề ra là đến năm 2020 giảm thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu từ 108 giờ xuống 60 giờ, giảm thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu từ 138 giờ xuống 80 giờ. Đây là thách thức rất lớn và để đạt mục tiêu này, đòi hỏi Việt Nam phải có sự cải cách, thay đổi mạnh mẽ trong thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu.
Theo Hội đồng tư vấn chính sách, bảo lãnh thông quan là cơ chế tạo thuận lợi thương mại được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới trong các giao dịch thương mại qua biên giới. Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, bắt đầu tư năm 1930 nước này đã áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan. Một số quốc gia khác như: Australia, Thụy Điển, Đan Mạch, Singapore, New Zealand, Malaysia, Philippines, Anh, Uganda, Thái Lan, Hàn Quốc… cũng đã sử dụng hệ thống bảo lãnh thông quan để tạo thuận lợi thương mại từ việc bảo đảm việc chi trả chi phí nhập khẩu và thuế cho đến các mục đích chuyên ngành khác.
Bản chất của mô hình này là tách biệt việc thông quan, giải phóng hàng hoá tại cửa khẩu và thực hiện các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ, điều kiện thành hai luồng quy trình, hoạt động riêng thông qua việc thực hiện bảo lãnh thông quan.
Nói một cách khác, về bản chất giống như mua phí bảo hiểm để bảo đảm nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế khi nhập khẩu, xuất khẩu vào Việt Nam. Những vấn đề này được thực hiện trước khi hàng đến và giúp hàng hoá khi về sẽ được thông quan nhanh hơn.
Theo đánh giá của nhóm tư vấn, cứ mỗi ngày phát sinh một sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%. Xét dữ liệu xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2015, điều này tương đương với con số 3,2 triệu USD, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD mỗi năm.Việc thực hiện một hệ thống bảo lãnh thông quan có thể khắc phục được việc chậm trễ trong giải phóng hàng hoá và giúp tiết kiệm được ít nhất 3,2 triệu USD mỗi ngày trong hoạt động xuất nhập khẩu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nguồn thu về thuế có thể gia tăng từ việc mở rộng hoạt động thương mại do giảm các rào cản, gánh nặng về chi phí.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()