Công bố chương trình “Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 – 2025”
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
– Chiều nay (10/2), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức lễ công bố Quyết định phê duyệt chương trình “Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 – 2025”.
Buổi lễ được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng chí Phạm Minh Chính, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự hội nghị tại điểm cầu Bộ GD&ĐT.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh và đại diện lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn.
Tại buổi lễ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã công bố Quyết định số 1660/QĐ-TTg, ngày 2/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình “Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 – 2025”.
Chương trình bao gồm 5 nhóm nội dung: chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ học sinh trong trường học; công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học; tổ chức bữa ăn học đường, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý trong trường học; tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ học đường; ứng dụng công nghệ thông tin vào chăm sóc, bảo vệ, quản lý sức khoẻ học sinh. Và 7 nhóm giải pháp gồm: bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; tăng cường, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; truyền thông vận động xã hội; hoàn thiện cơ chế, chính sách, phối hợp liên ngành; đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác quốc tế.
Đối tượng thụ hưởng là học sinh đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các trường học. Thông qua đó nhằm duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, trường chuyên biệt.
Tại buổi lễ, đại biểu các đơn vị đồng hành và các địa phương đã phát biểu chia sẻ, thể hiện niềm tin, kỳ vọng về chương trình sức khoẻ học đường, qua đó sẽ từng bước bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế đã ký kết chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khoẻ học sinh, sinh viên giai đoạn 2022 – 2026; đại diện Bộ GD&ĐT và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ký kết chương trình phối hợp về công tác giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2022 – 2026.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 -2025 sẽ góp phần cải thiện đáng kể sức khoẻ thể chất, tinh thần cho học sinh.
Nhấn mạnh việc chăm sóc sức khoẻ học sinh là nhiệm vụ của toàn xã hội, Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành, các địa phương cần có chương trình nghiên cứu, khảo sát, đánh giá để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp trong chăm sóc sức khoẻ học sinh theo từng vùng miền, từng lứa tuổi; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường học nhất là nhà vệ sinh, bếp ăn, sân chơi cho trẻ; chú trọng dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ; quan tâm cải thiện chất lượng bữa ăn, dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường; thực hiện giảm tải chương trình học.
Bộ GD&ĐT cần làm tốt công tác làm đầu mối trong thực hiện chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ học sinh; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học; tích cực tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách chăm sóc sức khoẻ học sinh.
Bộ GD&ĐT phối với Bộ Y tế nghiên cứu, đề ra chế độ dinh dưỡng, thực phẩm sử dụng trong trường học linh hoạt áp dụng theo đặc điểm vùng miền.
Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng tiêu chí cụ thể về công tác giáo dục thể chất trong nhà trường.
Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, tuyên truyền, huy động xã hội hoá tham gia hưởng ứng của toàn xã hội đối với chương trình chăm sóc sức khoẻ học đường.
Đặc biệt trong thời điểm hiện tại, ngành giáo dục cần có phương án cụ thể, linh hoạt các biện pháp phòng dịch và dạy học, đảm bảo an toàn cho trẻ khi đến trường.
HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()