Công bố chương trình nghị sự Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021
Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) lần thứ 6 vừa công bố chương trình nghị sự mở rộng với nhiều thông tin quan trọng. Sự kiện năm nay hướng đến một “nền kinh tế thời đại mới”, kêu gọi trách nhiệm chung trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.
Với chủ đề “Cơ hội mới của vùng Viễn Đông trong một thế giới đang thay đổi”, EEF 2021 dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến 4/9 tại TP Vladivostok (Liên bang Nga). Cố vấn Tổng thống Nga, Thư ký điều hành Ban tổ chức EEF, ông Anton Kobyakov nhấn mạnh, một chương trình nghị sự phong phú đã được chuẩn bị, tập trung các vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Ông Kobyakov hy vọng đông đảo đại biểu các nước sẽ tham gia sự kiện, cả trực tiếp lẫn trực tuyến.
Chương trình làm việc của EEF 2021 được chia thành bốn khối chuyên đề, gồm: Nền kinh tế thời đại mới: Điều gì thay đổi, điều gì giữ lại; Viễn Đông – thách thức và cơ hội mới; Trách nhiệm chung trong thế giới thay đổi và Diễn đàn thanh niên. Phiên toàn thể – sự kiện chính EEF 2021, dự kiến diễn ra ngày 3/9.
Trong khuôn khổ chuyên đề “Nền kinh tế thời đại mới: Điều gì thay đổi, điều gì giữ lại”, các phiên thảo luận sẽ bàn về phát triển năng lượng không carbon, phân phối lao động quốc tế, phương tiện truyền thông mới và các vấn đề kinh tế khác. Phiên “Hợp tác chống đại dịch: Các chiến lược chống khủng hoảng trong y tế” thảo luận những tiêu chí mà hệ thống chăm sóc sức khỏe bền vững cần đáp ứng.
Tăng cường và phát triển bền vững quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Đông Bắc Á là một trong những ưu tiên của Nga trong hợp tác quốc tế. Những thách thức mà cả Nga và các nước láng giềng trong khu vực phải đối mặt những năm gần đây là chưa từng có. Trong khi đó, đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra những bất ổn lớn. Phiên “Hợp tác kinh doanh như động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội bền vững trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương” được mong chờ sẽ đề ra các phương thức hợp tác mới, cấu hình lại chuỗi giá trị và tăng cường kết nối kinh tế khu vực.
Cũng trong chương trình nghị sự EEF 2021, khối chuyên đề “Viễn Đông – thách thức và cơ hội mới” gồm 28 phiên thảo luận về các vấn đề phát triển vùng Viễn Đông, thu hút đầu tư, tăng cường xuất khẩu và phát triển nông nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến khoáng sản nâng cấp công nghệ, đẩy mạnh các dự án thúc đẩy phát triển vùng, góp phần tạo ra cơ hở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng xã hội đi kèm.
Chuyên đề “Trách nhiệm chung trong thế giới thay đổi” bàn các vấn đề sinh thái, bảo vệ thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu. Sự phát triển ngành du lịch chữa bệnh tại Nga sẽ được thảo luận sâu. Các đại biểu cũng tập trung phân tích về những cơ hội và thách thức mới của tiến trình robot hóa.
Đặc biệt, năm nay, Diễn đàn thanh niên kinh tế phương Đông lần đầu được tổ chức trong khuôn khổ EEF, trình bày kết quả của chương trình “Khởi nghiệp Viễn Đông”, cũng như thảo luận về giáo dục và khởi nghiệp cho thanh niên.
Năm 2021 là dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ và 25 năm quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Nga. Ngày thanh niên EEF năm nay được coi là cơ hội thảo luận về triển vọng phối hợp chính sách thanh niên giữa Nga và ASEAN. Ngoài ra, trong khuôn khổ EEF 2021, cũng diễn ra các cuộc đối thoại doanh nghiệp giữa Nga và các quốc gia khác trên thế giới.
Diễn ra lần đầu vào năm 2015 theo sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin, Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức nhằm thúc đẩy nền kinh tế Viễn Đông phát triển mau chóng, mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện trở thành một trong những công cụ quan trọng hỗ trợ vùng Viễn Đông, nhất là lắng nghe nguyện vọng doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư lớn đổ về.
Ý kiến ()