Công bố chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương
LSO-Sáng nay (19/5), tại Hà Nội, đồng chí Trương Hòa Bình , Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì Hội nghị công bố Chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS).
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn có đồng chí Nguyễn Long Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, huyện, thành phố của tỉnh.
Theo kết quả công bố tại hội nghị, chỉ số CCHC năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung vào 2 nhóm điểm: nhóm đạt kết quả trên 90%, bao gồm 3 đơn vị (Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp), nhóm đạt kết quả từ trên 80% đến dưới 90% gồm 14 đơn vị. Giá trị trung bình chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 tăng 2,95 % so với năm 2018. Năm 2019, không có bộ nào có kết quả chỉ số CCHC dưới 80%, 16/17 đơn vị có chỉ số CCHC tăng hơn so với năm 2018, trong đó, Bộ Giao thông – Vận tải có giá trị điểm số tăng 5,4% so với năm 2018, là đơn vị có điểm số tăng cao nhất so với các bộ, cơ quan ngang bộ. Điều này cho thấy các bộ đã có nhiều sự cải thiện về điểm số, phản ánh những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành trong năm vừa qua.
Chỉ số CCHC năm 2019 của các tỉnh, thành phố được phân thành 3 nhóm: nhóm đạt chỉ số từ 90% trở lên có 1 tỉnh là Quảng Ninh, nhóm đạt kết quả chỉ số từ 80% đến dưới 90% gồm 43 tỉnh, thành phố, nhóm đạt kết quả chỉ số từ 70% đến dưới 80% gồm 19 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, chỉ số CCHC năm 2019 có giá trị trung bình cao hơn 4,23% so với năm 2018, là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây; điểm tích cực nữa là năm 2019 không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%, khoảng cách giữa đơn vị cao nhất và đơn vị thấp nhất tiếp tục được thu hẹp đáng kể so với các năm trước.
Đối với kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2019), năm 2019, 84,45% người dân, tổ chức hài lòng với sự phục vụ chung của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tăng gần 1,55% so với năm 2018. Trong 3 cấp hành chính, cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất với 85,53%. Chỉ số phản ánh về việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đều ở mức thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm.
Theo báo cáo công bố, chỉ số tổng hợp CCHC của tỉnh Lạng Sơn là 80,33 điểm, xếp thứ 42/63, giảm 16 bậc so với năm 2018, trong đó có 2 tiêu chí bị giảm điểm là tiêu chí về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC (giảm 0,42 điểm), tiêu chí về tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và kinh tế – xã hội của tỉnh (giảm 1,12 điểm). Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 81,17%, xếp thứ 47/63, tăng 7 bậc so với năm 2018.
Tại hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã trình bày một số tham luận về các vấn đề như: CCHC của ngành ngân hàng với hỗ trợ doanh nghiệp; hiệu quả việc thực hiện chính quyền điện tử và thực hành đô thị thông minh; kinh nghiệm về công tác thực hiện CCHC…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ngành trung ương trong việc triển khai xác định Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019. Đồng thời chỉ ra một số hạn chế như: công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của một số bộ, ngành, địa phương chưa được coi trọng, quan tâm đúng mức.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả CCHC, khắc phục những tồn tại, bất cập, vì mục tiêu xây dựng Chính phủ hiện đại, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, trên cơ sở kết quả PAR INDEX và SIPAS, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của CCHC.
Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan và các địa phương nghiên cứu, thực hiện các tiêu chí, chỉ số CCHC năm 2020 phù hợp với yêu cầu thực tế của từng địa phương nhằm phản ánh có hiệu quả, đầy đủ và đa chiều.
Ý kiến ()