Công bố các vùng có nguy cơ bão, siêu bão, nước biển dâng
Báo cáo được cập nhật trên cơ sở dữ liệu và các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất và được phân vùng trên phạm vi toàn quốc.
Việc phân vùng gió mạnh, mưa lớn cho các khu vực ở sâu trong đất liền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ… sẽ giúp cho cơ quan chức năng, các địa phương có thêm những thông tin quan trọng, hữu ích trong công tác chỉ đạo, phòng chống thiên tai.
8 vùng ảnh hưởng của bão trên lãnh thổ Việt Nam
Toàn lãnh thổ Việt Nam, vùng ven biển và đảo ven bờ được phân thành 8 vùng ảnh hưởng của bão như sau: Vùng I (Đông Bắc) gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Vùng II (Tây Bắc) gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Vùng III là các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Vùng IV bao gồm các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế. Vùng V gồm các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Định. Vùng VI gồm các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Vùng VII là các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Vùng VIII là các tỉnh từ Bình Thuận đến Cà Mau và Kiên Giang.
Kết quả nghiên cứu của Bộ TN&MT dự báo sức gió cho các vùng có nguy cơ gió mạnh, mưa lớn khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ như sau: Vùng I, gió trong bão có thể đạt cấp 11-12, giật trên cấp 13. Vùng II, gió trong bão có thể đạt cấp 10-11, giật trên cấp 13. Vùng III, gió trong bão có thể đạt cấp 15-16, giật trên cấp 17.
Tương tự, vùng IV, gió trong bão có thể đạt cấp 15-16, giật trên cấp 17; mưa một ngày lớn nhất trong bão có thể đạt từ 1.000-1.050 mm. Vùng V, gió trong bão có thể đạt cấp 14-15, giật trên cấp 16. Vùng VI, gió trong bão có thể đạt cấp 14-15, giật trên cấp 16. Vùng VII, gió trong bão có thể đạt cấp 10-11, giật trên cấp 12.
Riêng vùng VIII, gió trong bão có thể đạt cấp 11-12, giật trên cấp 13; mưa một ngày lớn nhất có thể đạt từ 300-350 mm. Đối với các đảo ven bờ như Phú Quý, Côn Đảo nguy cơ cấp gió bão và gió giật trong bão mạnh nhất có thể cao hơn trong đất liền từ 1-2 cấp.
5 vùng có nguy cơ nước dâng do bão
Bộ TN&MT cũng đưa ra nhận định nguy cơ nước dâng do bão cho các vùng ven biển Việt Nam được đưa ra như sau:
Vùng I từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa: Nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 3,5 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến 4,9 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,7-2 m.
Vùng II từ Nghệ An đến Thừa Thiên-Huế: Khu vực từ Nghệ An đến Hà Tĩnh nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 4,5 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 5 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,2-1,7 m.
Khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế: Nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 3,9 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 4,2 m. Biên độ thủy triều dao động từ 0,5-1,2 m.
Vùng III từ Đà Nẵng đến Bình Định: Nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra tới 1,8 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,3 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1-1,2 m.
Vùng IV từ Phú Yên đến Ninh Thuận: Nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 1,7 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh, siêu bão đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,2 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,2-1,4 m.
Vùng V từ Bình Thuận đến Cà Mau, Kiên Giang: Vùng ven biển này có thể chia thành 3 khu vực: Từ Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu: Nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 1,2 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,4-1,8 m.
Khu vực từ TPHCM đến mũi Cà Mau: Nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 2 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,7 m. Biên độ thủy triều dao động từ 1,8-2 m.
Khu vực từ mũi Cà Mau đến Kiên Giang: Nước dâng do bão cao nhất đã xảy ra đến 1,2 m. Trong tương lai, khi có bão mạnh đổ bộ, nước dâng do bão có thể lên đến trên 2,1 m. Biên độ thủy triều trong khu vực này dao động trong khoảng từ 0,8-1,1 m.
Ý kiến ()