Công bố báo cáo Chuyển đổi nguồn nhân lực giáo dục tại châu Á
Luật Giáo dục 2019 đã cụ thể hóa việc chi ít nhất 20% ngân sách cho giáo dục. Trong phát triển giáo dục, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ giáo viên.
Ngày 13/11, tại Hà Nội, Ủy ban Giáo dục quốc tế đã công bố báo cáo “Chuyển đổi nguồn nhân lực giáo dục: Áp dụng Nhóm học tập để kiến tạo thế hệ học tập” tại châu Á.
Tại buổi công bố, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và đang tiếp tục duy trì, phát triển kết quả này.
Kết quả của Việt Nam qua các kỳ PISA năm 2012 và 2015 đã cho thấy, hiệu quả của chính sách đầu tư cho phát triển giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Luật Giáo dục 2019 vừa được thông qua đã cụ thể hóa việc chi ít nhất 20% ngân sách cho giáo dục. Trong phát triển giáo dục, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến phát triển đội ngũ giáo viên, nhất là vấn đề chất lượng.
Luật Giáo dục 2019 đã quy định chuẩn trình độ đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở của Việt Nam là Đại học.
Ông Tạ Ngọc Trí chia sẻ để tiếp tục duy trì, phát triển các thành tựu giáo dục đã đạt được, Việt Nam đã và đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo.
Trong đó, chương trình giáo dục phổ thông mới đã được xây dựng và ban hành, với mục tiêu chuyển từ tiếp cận chủ yếu về nội dung sang tiếp cận phát triển năng lực học sinh, đích đến là trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam các kỹ năng bậc cao, các năng lực của thế kỷ 21.
Để triển khai chương trình giáo dục này, việc nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên là cực kỳ quan trọng.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao Dự án về dạy học môn Toán tại một số trường phổ thông ở Việt Nam do nhóm chuyên gia của Ủy ban Giáo dục và của Đại học Công lập Arizona tiến hành.
Qua phương pháp dạy và học tập môn Toán của Dự án này, thông qua việc ứng dụng công nghệ cao để tạo ra môi trường học tập thích ứng giúp giáo viên có thể nắm được điểm mạnh, điểm còn chưa tốt của từng học sinh trong quá trình dạy học, giúp giáo viên có phương án sư phạm phù hợp hỗ trợ việc học tập của học sinh một cách hiệu quả hơn.
Học sinh tham gia học tập trong dự án này được học tập chủ động, tích cực, phù hợp với năng lực thông qua việc thảo luận, làm việc qua dự án và trải nghiệm.
Các hoạt động học tập này giúp học sinh phát triển các năng lực chung như giải quyết vấn đề, sáng tạo, kỹ năng bậc cao cần thiết cho công dân của thế kỷ 21.
Tất cả các tư tưởng dạy và học trong dự án này đều phù hợp với các định hướng của Việt Nam trong triển khai chương trình giáo dục tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Do đó, tổng kết đánh giá kết quả từ dự án này có ý nghĩa cho cơ quan quản lý Việt Nam trong việc chỉ đạo thực hiện.
Chia sẻ về nội dung báo cáo “Chuyển đổi nguồn nhân lực giáo dục ,” ông Ju-Ho Lee, Ủy viên Ủy ban Giáo dục, cựu Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc cho biết tại nhiều quốc gia, lực lượng giáo viên đang thiếu hụt và được phân bố không đồng đều.
Tuy nhiên, chỉ riêng lực lượng giáo viên không thể hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 4 của Liên hợp quốc về “Đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người” mà cần sự phối hợp của nhiều lực lượng để giáo dục một đứa trẻ. Giáo viên cần có người lãnh đạo và hỗ trợ để có thể tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương một cách hiệu quả.
Ông Ju-Ho Lee nhấn mạnh chúng ta cần một nguồn nhân lực giáo dục và các hệ thống có thể đáp ứng được những thay đổi nhanh chóng trong thế giới ngày nay về nhân khẩu học, môi trường, các tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ.
Vì vậy, báo cáo của Ủy ban Giáo dục đề xuất một tầm nhìn để tạo ra những hệ thống giáo dục khai thác các cơ hội mới, thích nghi và liên tục phát triển, học sinh được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công.
Báo cáo chú trọng việc xây dựng các nhóm học tập với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo cấp trường và cấp quận, chuyên gia, trợ lý học tập, chuyên gia cộng đồng, doanh nghiệp, chuyên gia y tế và phúc lợi, phụ huynh, tình nguyện viên và nhiều người khác cùng làm việc để giúp tất cả trẻ em thành công./.
Ý kiến ()