Công bố 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2017
Họp báo công bố danh sách 50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam năm 2017. Ảnh VGP/Thúy Hà |
Ngày 19/10, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) chính thức công bố danh sách và ra mắt ấn phẩm “50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2017”. Đây là kết quả từ Chương trình bình chọn 50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2017 (Vietnam’s 50 Leading IT Companies), do Vinasa tổ chức thường niên từ 2014, với mục đích lựa chọn, chứng nhận và vinh danh 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam, quảng bá, giới thiệu và kết nối hợp tác kinh doanh cho các doanh nghiệp này với các đối tác tiềm năng trong nước và quốc tế.
Chương trình năm nay được phát động từ đầu tháng 6/2017, qua các vòng Sơ tuyển – Thẩm định thực tế tại DN – Chung tuyển, đã bình chọn được 50 doanh nghiệp hàng đầu trong 3 nhóm lĩnh vực: BPO, IT Outsourcing và KPO; Phần mềm, giải pháp và dịch vụ CNTT; Nội dung số, ứng dụng, giải pháp cho mobile.
Theo số liệu đã được thẩm định thực tế, 50 DN trong danh sách năm nay có tổng doanh thu 20.676 tỷ đồng (tương đương 936 triệu USD), với số nhân lực là 35.542 người. Trong đó, nhiều DN thực sự nổi trội và đang là những “cánh chim đầu đàn” của ngành như FPT Software, TMA, Global CyberSoft, KMS, Nash Tech, FIS, CMC, MISA, MobiFone, VNPT, VNG hay trong lĩnh vực công nghệ cao như ELCOM, NextTech, MK Smart, hoặc có tốc độ phát triển nhanh như RikkeiSoft, VMG, SmartOSC, FSI, các công ty hàng đầu trong các thị trường, lĩnh vực ngành hàng như Fujinet, DIGI-TEXX, Swiss Post Solution…
Đặc biệt, đón bắt xu thế công nghệ toàn cầu mới và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, Chương trình bình chọn 50 DN CNTT hàng đầu Việt Nam 2017 đánh dấu bước chuyển biến mới với việc chính thức công bố việc dành ưu tiên cho DN đang hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số (Digital transformation), IoT (Internet of Things) và các xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn – big data, thực tế ảo (VR)…
Theo Ban tổ chức, đây chính là bước “khởi động” cho một hành trình mới của các DN CNTT Việt Nam để tiếp cận và bắt nhịp với sự phát triển thần tốc của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 trên toàn cầu.
Tại thời điểm hiện tại, các DN tham gia vào lĩnh vực này có thể còn chưa có nhiều thành tựu nổi bật, sản phẩm chưa thực sự hoàn thiện… song với tầm nhìn xa cũng như sự đầu tư không ngừng vào nghiên cứu và phát triển (R&D), họ sẽ bắt kịp rất nhanh với xu thế công nghệ để có bước tăng trưởng đột phá.
Ý kiến ()