Công bằng quyền lợi trong kinh doanh xăng dầu
Suốt thời gian dài vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục phản ánh tình trạng phải bỏ “tiền túi” để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động. Nguyên nhân ban đầu được xác định do chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ để chiết khấu cho doanh nghiệp.
Người dân xếp hàng dài tại cây xăng PVOil Thái Thịnh (phố Thái Thịnh, quận Ðống Ða, Hà Nội). |
Tuy nhiên, sau nhiều lần liên Bộ Tài chính-Công thương tính toán lại và tăng chi phí định mức, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn tiếp tục thua lỗ kéo dài, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động.
Tại “Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức gần đây, đại diện các nhà bán lẻ xăng dầu khẳng định, đang có lỗ hổng lớn trong cơ chế điều hành kinh doanh xăng dầu, chưa quy định rõ chi phí định mức riêng cho 3 khâu: doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Do vậy, thương nhân bán lẻ xăng dầu thường chỉ được doanh nghiệp đầu mối hay nhà phân phối trả cho một mức chiết khấu ít ỏi hoặc thậm chí là 0 đồng.
Nhiều bất hợp lý
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) Giang Chấn Tây chia sẻ: Hơn một năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thường xuyên nhận được mức chiết khấu rất thấp, không đủ bù chi phí hoạt động nên kinh doanh thua lỗ kéo dài, có người phải bán cả ruộng vườn, đất đai, cầm cố tài sản để bù lỗ. Tuy nhiên, ngay sau khi diễn ra Hội thảo “Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NÐ-CP và Nghị định 83/2014/NÐ-CP về kinh doanh xăng dầu” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/2 vừa qua, chiết khấu xăng dầu bất ngờ tăng lại lên mức 1.000-1.500 đồng/lít tùy khu vực.
Chưa có quy định mới, diễn biến thị trường không hề thay đổi thì việc các doanh nghiệp đầu mối tăng mức chiết khấu trở lại như vậy rõ ràng là bất thường. “Phải chăng do không có quy định phân chia rõ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu, nên doanh nghiệp đầu mối trước đây thường thu gom hết phần này vào tay mình, nay thấy “động” lại bắt đầu trích ra cho doanh nghiệp bán lẻ?”, ông Tây đặt câu hỏi.
Cũng theo ông Tây, Bộ Công thương luôn giải thích cơ quan quản lý không quy định rõ mức chiết khấu ở các khâu vì đây là “thỏa thuận dân sự”, đồng thời cũng để tạo sự công bằng và cạnh tranh cho thị trường. Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra suốt hơn 1 năm qua đang cho thấy điều ngược lại: Chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ đang phụ thuộc hoàn toàn vào “sự ban phát” của doanh nghiệp đầu mối.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) Hoàng Trung Dũng cho biết: Bắt đầu từ thời điểm chu kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu rút ngắn xuống 10 ngày, mỗi khi có tin giá xăng dầu sẽ tăng cao hay biến động, lập tức trên thị trường có hiện tượng mức chiết khấu bị “bóp nghẹt” từ khâu đầu mối, thậm chí có lúc giảm đến 500 đồng/lít trong ngày. Ðơn cử gần đây mức chiết khấu đang được “neo” ở mức 850-900 đồng/lít, nhưng đến nay chỉ vài ngày sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm (ngày 1/3), mức chiết khấu hiện chỉ còn 350 đồng/lít tại kho đầu mối ở Hải Phòng.
Với mức chiết khấu này, nếu doanh nghiệp phân phối như APP mua xăng dầu, trở về bán lại cho các cây xăng ở vùng sâu, vùng xa, cự ly di chuyển khoảng 300-400km chắc chắn đã bị lỗ. Và như vậy, chắc chắn các thương nhân bán lẻ lấy hàng từ APP sẽ không nhận được một đồng chiết khấu nào. Câu chuyện “giá xăng dầu sắp tăng thì chiết khấu giảm” này cứ liên tục tiếp diễn, cộng thêm tình trạng tắc nghẽn ở các kho lấy hàng.
Ðã có thời điểm 3 xe téc của APP phải xếp hàng 6 ngày, tiền đã chuyển trước mà cũng không lấy được hàng. Vậy rõ ràng nguyên nhân chính của tình trạng đứt gãy nguồn cung thời gian vừa qua không đến từ phía doanh nghiệp phân phối hay bán lẻ xăng dầu. Tình trạng đầu cơ, găm hàng thực tế đang tồn tại và rất cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước.
Trạm xăng Petrolimex số 04 ở phố Trần Hưng Ðạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Hài hòa lợi ích
TS Vũ Ðình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng cơ chế quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện đang gây ra sự đối đầu, xung đột về lợi ích giữa hai nhóm là doanh nghiệp đầu mối cùng với doanh nghiệp phân phối-bán lẻ. Liên Bộ Công thương-Tài chính đang đưa ra mức trần giá bán lẻ xăng dầu với mong muốn các doanh nghiệp sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng thực tế những năm qua, không doanh nghiệp đầu mối nào cạnh tranh giá cả mà nghiễm nhiên đều bán với mức trần.
Liên Bộ Công thương-Tài chính đang đưa ra mức trần giá bán lẻ xăng dầu với mong muốn các doanh nghiệp sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp để cạnh tranh với nhau. Nhưng thực tế những năm qua, không doanh nghiệp đầu mối nào cạnh tranh giá cả mà nghiễm nhiên đều bán với mức trần.
TS Vũ Ðình Ánh
Bên cạnh đó, cũng đã có quy định công khai, rõ ràng về công thức xác định giá cơ sở xăng dầu, chi phí định mức, nhưng các quy định này dường như vẫn ưu ái cho doanh nghiệp đầu mối chứ chưa tính đến quyền của bên phân phối hay bán lẻ. Mặt khác, quy định về chiết khấu vô hình trung cũng đang coi thương nhân bán lẻ nằm trong chuỗi và phải phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu mối. Dù luật gọi là quan hệ dân sự, thương nhân bán lẻ có thể tiếp cận nhiều đầu mối, nhưng thủ tục pháp lý phức tạp, thời gian kéo dài nên thực chất vẫn chỉ là dạng đại lý độc quyền.
Vì vậy, để giải quyết được các bất cập của thị trường xăng dầu hiện nay, TS Vũ Ðình Ánh cho rằng phải bảo đảm tính độc lập của bên phân phối bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào bên đầu mối, không nên bàn về chiết khấu nữa, thay vào đó tạo điều kiện cho họ tiếp cận, kinh doanh trên thị trường. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cũng phải xem xét thêm quyền ra khỏi thị trường đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Doanh nghiệp lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường.
“Chúng ta không có thị trường xăng dầu vì chúng ta can thiệp rất nhiều. Chúng ta xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ; doanh nghiệp đầu mối nắm toàn quyền quyết định chiết khấu cho các khâu phía sau và điều này mang tính độc quyền nhóm-chưa phù hợp với luật cạnh tranh”, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Chúng ta không có thị trường xăng dầu vì chúng ta can thiệp rất nhiều. Chúng ta xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ; doanh nghiệp đầu mối nắm toàn quyền quyết định chiết khấu cho các khâu phía sau và điều này mang tính độc quyền nhóm-chưa phù hợp với luật cạnh tranh.
TS Vũ Ðình Ánh
Ðại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Ðồng) Nguyễn Xuân Thắng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xác định rõ quyền và nghĩa vụ kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ để đưa vào các Nghị định về kinh doanh xăng dầu đang được sửa đổi, bổ sung. Trong đó, cần quy định rõ mức lợi nhuận hay chiết khấu thấp nhất mà doanh nghiệp bán lẻ phải được hưởng.
Dẫn quy định trong Luật Thương mại: “Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào”, ông Giang Chấn Tây đề xuất việc cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng ở nhiều nguồn. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp điều tiết nguồn hàng theo quy luật cung cầu để không bị chèn ép về giá, chiết khấu, đồng thời cũng khắc phục được tình trạng các doanh nghiệp đầu chuỗi găm hàng để hưởng chênh lệch giá.
Nguồn: https://nhandan.vn/cong-bang-quyen-loi-trong-kinh-doanh-xang-dau-post743292.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()