Công an Yên Bái mưu trí, dũng cảm, vì dân phục vụ
Công an huyện Văn Chấn vận động nhân dân xã Sơn Thịnh tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động "Công an nhân dân (CAND) chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ", nhận thức của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh Yên Bái về tinh thần trách nhiệm, lễ tiết tác phong, thái độ phục vụ nhân dân đã chuyển biến rõ nét; hiệu quả công tác của từng đơn vị nghiệp vụ và công an các huyện, thị trấn được nâng cao, góp phần giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.Theo Đại tá Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái: Do đặc thù hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống cách xa nhau tại nhiều thôn, bản heo hút trên vùng núi cao, một bộ phận người dân nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo, mua chuộc, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật, khiến...
Công an huyện Văn Chấn vận động nhân dân xã Sơn Thịnh tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự. |
Theo Đại tá Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái: Do đặc thù hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống cách xa nhau tại nhiều thôn, bản heo hút trên vùng núi cao, một bộ phận người dân nhận thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật còn hạn chế, dễ bị kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo, mua chuộc, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật, khiến công tác phòng, chống tội phạm ở Yên Bái gặp không ít khó khăn. Từ thực tế này, Công an tỉnh Yên Bái coi công tác vận động quần chúng đóng vai trò cốt tử, cho nên đã tăng cường đưa cán bộ xuống cơ sở để thực hiện tư tưởng “trọng dân” của Bác Hồ: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.
Ở Yên Bái, tinh thần phục vụ nhân dân theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND “Đối với công việc phải tận tụy”, đã giúp CBCS trong Công an tỉnh không ngại khó, ngại khổ đi bộ xuyên rừng, bò qua những vách núi dựng đứng, lội suối trong những ngày mưa rét, đến với đồng bào dân tộc miền núi tại các thôn, bản heo hút, thực hiện “ba cùng” (cùng ăn, ở và làm nương, rẫy) để làm tốt công tác vận động quần chúng. Đại úy Giàng A Nủ, công tác tại Đội An ninh nhân dân huyện Văn Chấn cho rằng: Để gây dựng được lòng tin của người dân miền núi với công an, chúng tôi phải tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… Thí dụ, với người Mông theo tục thờ cúng tổ tiên, khi đến nhà phải chú ý, nếu ngoài cửa có cài lá dấu (một cành lá) chớ có vào, vì trong nhà đang cúng ma, kiêng người lạ hoặc có phụ nữ sinh nở… Trường hợp có việc khẩn cấp, có thể nhờ con trẻ vào gọi giúp, chủ nhà cho phép mới vào nhà và khi ra về nhớ đưa năm đến mười nghìn đồng để “làm lý” (theo phong tục của họ, làm vậy để tránh việc con dâu đang nuôi con bị mất sữa). Và khi đến với đồng bào các dân tộc, điều quan trọng là phải tranh thủ được sự giúp đỡ của già làng, trưởng bản. Tại thôn Pín Pé, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, sự nhiệt tình của Trưởng thôn và Bí thư Chi bộ thôn Giàng A Cu, đã giúp lực lượng công an vận động bà con xóa được phong tục đám cưới, đám ma đều dùng thuốc phiện hoặc khi ốm không cúng ma, phải dùng thuốc chữa bệnh. Khi đồng bào đã tin công an, nếu có người lạ, kẻ xấu vào thôn, bản họ đều báo cho công an. Năm qua, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã cung cấp hơn 3.000 tin, trong đó, hơn 2.000 tin có giá trị giúp lực lượng công an giải quyết hơn 2.000 vụ việc với 2.145 lượt người vi phạm; vận động nhân dân nộp hơn 400 khẩu súng các loại; xây dựng và củng cố hơn 1.800 tổ an ninh, 1.235 tổ tuần tra, hơn bốn nghìn tổ tự quản…
Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (PC 64) Trần Xuân Thiệu cho biết: Trước đây, việc cấp và làm chứng minh nhân dân (CMND) là công việc xa vời đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Với tinh thần phục vụ nhân dân, CBCS của Phòng PC 64 đã đi bộ cả ngày đường đến xã Chế Tạo, thuộc huyện Mù Cang Chải để cấp CMND miễn phí cho đồng bào. Đội trưởng Đội CMND Đinh Công Bình đã kể về những ngày đầu cơ man là khó khăn về nơi ăn, chốn ở đối với Đội công tác CMND. Sau này khi đã hiểu được công việc của CBCS Đội CMND, bà con dân tộc tranh nhau mang vác phương tiện máy móc của Đội trong mỗi chuyến công tác, đêm miền núi lạnh thấu xương, bà con mang chăn cho mượn, có người lặn lội đi 5-7 cây số đường rừng lấy củi và hái rau gùi về cho CBCS, nhưng vì không biết tiếng phổ thông, họ chỉ tủm tỉm cười khi nhận được lời cảm ơn của CBCS công an. Tiếp lời Đội trưởng Đinh Công Bình, Đội trưởng Tham mưu tổng hợp Đào Tiến Hùng của Phòng PC 64 khẳng định: “Công việc làm CMND đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, không đơn giản như người miền xuôi “nam văn, nữ thị” tức là, nam thì đệm chữ văn, nữ là chữ thị, nhưng người dân tộc miền núi lại khác. Đơn cử như người dân tộc Dao, lúc mới đẻ đã được đặt tên. Đến năm 12-13 tuổi, lại được làm lễ cấp sắc đổi tên khác. Nhưng theo quy định, tên khai để làm CMND phải là tên khi mới sinh. Do đó, nếu không nắm được phong tục này, việc làm CMND sẽ dẫn đến sai sót nghiêm trọng…”. Song với những nỗ lực vượt khó phục vụ nhân dân, năm 2011, CBCS Phòng PC 64 đã cấp, đổi và làm mới hơn 56 nghìn CMND cho người dân trong toàn tỉnh.
Điều đáng mừng là từ năm 2011 đến nay, tình hình tai nạn giao thông ở Yên Bái đã giảm cả ba tiêu chí, trong đó giảm nhiều nhất là số vụ (94 vụ so với năm 2010). Theo Thượng tá Đặng Dương Tiến, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC 67), năm 2010, do tình hình tai nạn giao thông tăng đột biến, với sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, CBCS Phòng PC 67 đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp công tác, bao gồm, tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và tuần tra, xử lý các vi phạm; thành lập các tổ tự quản giao thông nhắc nhở mọi người không họp chợ và lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; gửi thông báo về nơi cư trú, tổ dân phố và cơ quan, đơn vị đối với những người vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông theo thông tư của Bộ Công an, đồng thời đăng tải trên báo và phát hình ảnh người vi phạm trên các phương tiện thông tin của tỉnh Yên Bái…
Năm qua, các đơn vị phòng, ban và công an các huyện, thị trấn ở Yên Bái đã tiến hành ký giao ước thi đua với khẩu hiệu “Trung thành tận tụy, mưu trí, dũng cảm. Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” nhằm triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “CAND chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động. Nhờ vậy, số vụ phạm pháp hình sự ở Yên Bái giảm 4,8% số vụ so với năm 2010; số CBCS bị xử lý kỷ luật chiếm tỷ lệ khá thấp (0,26%); 30 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng, 121 trường hợp được công nhận đảng viên chính thức.
Theo Nhandan
Ý kiến ()