Công an xã chính quy - “luồng gió mới” trong xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở
Công an xã chính quy là Công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân; làm nồng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm tặng bằng khen cho cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. (Ảnh :cand.com.vn) |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (Khóa 12) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; để đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới, Bộ Công an đã xây dựng và được Bộ Chính trị phê duyệt Đề án số 106 về “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.
Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là “điều chỉnh, bố trí lại lực lượng, sắp xếp cán bộ, cơ cấu trong biên chế nội bộ Bộ Công an một cách hợp lý, theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, hướng về cơ sở và chính quy hóa lực lượng Công an xã, thị trấn…”[1].
Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các địa phương thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc.
Tại hội nghị sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc ngày 3/6/2022, theo số liệu báo cáo Công an các địa phương đã quyết liệt, bài bản, khoa học trong việc điều động, bố trí Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã.
Đến nay, Công an 63/63 địa phương đã điều động hơn 48.000 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tiếp tục khẳng định “Chủ trương xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là rất đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở”[2].
Trong những năm qua, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, song lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy đã nhanh chóng bám cơ sở, bám dân, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự.
Các mặt công tác quản lý đối tượng tại cơ sở, nghiệp vụ cơ bản, xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nắm hộ, nắm người được đẩy mạnh và thực hiện bài bản, có hiệu quả hơn.
Lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nhằm bảo đảm tình hình an ninh, trật tự tại địa bàn… Qua đó, tạo nên một “luồng gió mới”về công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về lực lượng Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ, tất cả vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.
Công an xã chính quy là lực lượng nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn ở cơ sở
Quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã tăng cường đưa Công an chính quy về cơ sở, tích cực bám dân, bám địa bàn, hướng dẫn nhân dân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Thực tế cho thấy, Công an xã là lực lượng thường xuyên có mặt tại địa bàn cơ sở, có nhiều điều kiện, khả năng tìm hiểu, nắm rõ về vị trí địa lý, đặc điểm dân cư, các đối tượng nổi lên ở địa bàn về chính trị, hình sự, kinh tế, ma túy… Khi có vụ việc về an ninh, trật tự xảy ra, lực lượng Công an xã luôn là lực lượng có mặt sớm nhất, có thể cung cấp nhiều thông tin có giá trị, cùng phối hợp với các lực lượng khác thực hiện công tác điều tra, khám phá, xử lý vụ việc được thuận lợi nhanh chóng.
Công an xã là lực lượng trực tiếp tổ chức điều tra, nghiên cứu, nắm tình hình về tình trạng phạm tội và những hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương để có chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả; tham gia, giúp đỡ các cơ quan pháp luật trong điều tra, xử lý tội phạm xảy ra trên địa bàn xã.
Chính vì thế, Công an xã là lực lượng có điều kiện thuận lợi nhất để tổ chức, phát động có hiệu quả Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở.
Lực lượng Công an cấp xã đã phối hợp các cơ quan, ban, ngành ở địa phương chủ động nắm chắc tình hình diễn biến trong tư tưởng nhân dân; tập trung tuyên truyền, vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội. Chủ động phát hiện, đấu tranh với các loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ của các thế lực thù địch. Các diễn đàn: “Nhân dân tố giác tội phạm”; “Nói cho dân nghe và nghe dân nói”; “Công an xã, thị trấn lắng nghe ý kiến nhân dân”… đã trở thành những diễn đàn để nhân dân thể hiện vai trò làm chủ, tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.
Tại mỗi địa phương, Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai rất sáng tạo, với nhiều mô hình, tiêu biểu như: “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”; mô hình “2 không, 1 có”, “3 tăng, 3 giảm”, “Phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới”; “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Thanh niên xung kích, tình nguyện”, “tổ an ninh nhân dân, tổ dân phòng”, “Xứ, họ đạo tiên tiến”; “Gia đình Công giáo gương mẫu”[3]. Một số đơn vị, địa phương sáng tạo sử dụng nền tảng các ứng dụng công nghệ thông tin kết nối Zalo, lập các trang Fanpage, nhắn tin trên điện thoại để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự [4].
Qua tổng kết thực tiễn cho thấy, khi được bố trí xuống địa bàn cơ sở, lực lượng Công an xã chính quy đã làm tốt công tác nắm tình hình, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại cơ sở; thực hiện tốt nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở; góp phần rất tích cực trong xây dựng, củng cố Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
Tình hình an ninh, trật tự tại các xã, thị trấn hầu hết đều có những chuyển biến tích cực, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội giảm rõ rệt. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng Công an xã, thị trấn đã tiếp nhận hơn 82.000 vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự; trực tiếp giải quyết hơn 49.000 vụ, chuyển cơ quan khác hơn 6.000 vụ và phối hợp với các lực lượng giải quyết hơn 7.000 vụ; xử lý hành chính hơn 26.000 vụ việc… [5].
Bữa cơm trưa vội vàng của các chiến sĩ công an huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình trong những ngày cao điểm làm thẻ căn cước công dân cho nhân dân trên địa bàn huyện. (Ảnh: baodantoc.vn) |
Phát huy vai trò của Công an xã chính quy trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở
Trong thời gian tới, để phát huy vai trò của lực lượng Công an xã chính quy trong xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn cơ sở, cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau đây:
Một là, lực lượng Công an xã chính quy cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.Lực lượng Công an xã chính quy với vai trò nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự cần chủ động tham mưu Cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội của xã phát động Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm tuyên truyền, giáo dục, phổ biến cho nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cung cấp thông tin giúp các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Hai là, thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân.Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Lực lượng Công an xã chính quy cần triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác nghiệp vụ nhằm nắm chắc tình hình ở cơ sở. Trong đó, cần huy động công an viên bán chuyên trách trước đây tham gia bởi thực tế một số địa phương sau khi Công an chính quy về xã thì họ không nhiệt tình hỗ trợ, trong khi đó một bộ phận này nắm rất chắc tình hình địa bàn, am hiểu ngôn ngữ, văn hóa vùng miền, phong tục tập quán… Do đó, huy động được đội ngũ này sẽ giúp cho lực lượng Công an xã chính quy khắc phục được những khó khăn ban đầu về kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc phù hợp với đặc thù tình hình từng nơi, xóa bỏ “rào cản”với địa phương.
Công an huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai tổ chức lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ cho Công an viên bán chuyên trách của 14 xã, thị trấn. (Ảnh: gialai.gov.vn) |
Ba là, đổi mới nội dung, công tác tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.Để công tác xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thật sự hiệu quả, đòi hỏi lực lượng Công an xã chính quy phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp thực hiện, phải phù hợp với điều kiện xã hội, phong tục, truyền thống của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới; nội dung biện pháp tiến hành phải cụ thể, thiết thực, phù hợp trình độ nhận thức và đáp ứng nguyện vọng lợi ích chính đáng của quần chúng nhân dân.
Bốn là, củng cố, duy trì và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.Thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của các mô hình đã có, phổ biến nhân rộng các mô hình hiệu quả. Đồng thời, tích cực nghiên cứu, xây dựng các mô hình mới về bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở. Thông qua hình thức này để xã hội hóa công tác phòng chống tội phạm, gắn liền trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự.
Năm là, chú trọng xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng.Trong thời đại chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay, yêu cầu tổ chức công tác xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng càng trở nên cấp bách. Nghiên cứu, xây dựng mô hình “Zalo an ninh”nhằm hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục hành chính, tạo thêm kênh tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, tăng cường tương tác giữa người dân và lực lượng Công an xã chính quy trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.
——-
Tài liệu tham khảo:
1. Đề án 106 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
2. Nhật Nam (2022), Xây dựng công an xã, thị trấn chính quy là chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chiến lược:https://baochinhphu.vn/xay-dung-cong-an-xa-thi-tran-chinh-quy-la-chu-truong-dung-dan-co-y-nghia-chien-luoc-102220603192038211.htm
3. Trương Thị Ngọc Ánh (2021), Phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tham gia bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới:http://m.tapchimattran.vn/thuc-tien/phat-huy-vai-tro-cua-quan-chung-nhan-dan-tham-gia-bao-dam-an-ninh-trat-tu-trong-tinh-hinh-moi-39822.html
4. Bộ Công an (2020), Báo cáo số 1060/BC-BCA-V05 ngày 11/11/2020 về đánh giá kết quả công tác xây dựng phong trào và việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2015-2020.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()